Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong các vụ việc, vụ án tham nhũng

Thứ bảy, 30/03/2019 08:00

Ngày 29-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham những với  Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng để thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại thành phố trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Thi hành án tham nhũng, kinh tế đạt tỷ lệ cao

Theo đánh giá của Đoàn Kiểm tra số 1, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng luôn xác định công tác thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục hậu quả thiệt hại do tham nhũng gây ra. Sau các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan thi hành án dân sự đã chủ động, tích cực xác minh, áp dụng các biện pháp thi hành án để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các bản án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Ngoại trừ vụ án liên quan đến Phạm Công Danh đang gặp một số khó khăn thì tỷ lệ số vụ và số tiền đã thi hành án trong thời gian qua đạt khá cao (80% số vụ, 82% số tiền). Các vụ việc được thụ lý, phân loại, thi hành đều đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Việc bảo quản tài sản, vật chứng của các vụ án được thực  hiện nghiêm túc, không để xảy ra mất mát, hư hỏng, sai phạm. Trong 5 năm qua, tổng số việc/ số tiền cơ quan thi hành án dân sự hai cấp thụ lý, thi hành là 58 việc/3.966 tỷ đồng. Số việc/ số tiền đã thi hành xong là 36 việc/4,127 tỷ đồng. Trong số việc có điều kiện phải tiếp tục thi hành là 8 việc/3.950 tỷ đồng thì liên quan đến vụ án Phạm Công Danh là 2 việc/3.946 tỷ đồng.

Các đơn vị như Sở Tư pháp, Công an, Viện KSND, TAND và Cục Thi hành án dân sự thành phố đã ban hành quy chế phối hợp liên ngành về thông báo phong tỏa, kê biên và tạm dừng giao dịch đối với tài sản liên quan trong các vụ án và tài sản đảm bảo thi hành án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, các cơ quan tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý và công tác phối hợp, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tránh việc đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Tuy được đánh giá là đã thể hiện sự quyết liệt, có nhiều nỗ lực trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhưng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cũng thẳng thắn cho rằng, có thời điểm việc tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát trực tiếp đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy trong nhiệm vụ này chưa được thường xuyên.  Vì vậy có nơi chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với nội dung này nhưng chưa được chấn chỉnh kịp thời. Đối với một số vụ việc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố còn lúng túng, chưa đề xuất được giải pháp xử lý cụ thể. Một số vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn, quá trình thi hành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng cơ quan chức  năng của thành phố chưa chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời hướng giải quyết với cấp ủy, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. “Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, Đà Nẵng cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng. Thành phố có quyết tâm, có nỗ lực nhưng đôi lúc vẫn còn lúng túng, vướng nhiều mặt. Thành ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc cũng chưa đề xuất được các giải pháp cụ thể đối với các cơ quan trung ương để xử lý kịp thời”, ông Trí cho biết đồng thời cho rằng Ban Chỉ đạo Trung ương đã thấy hết  những nỗ lực, quyết tâm cũng như những khó khăn mà Đà Nẵng gặp phải. Những kết quả vừa qua chưa phải là lớn so với tổng tài sản phải thu hồi nhưng thành phố đã rất quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thành ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc sẽ nghiêm túc thực hiện những kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo Trung ương  để phối hợp khắc phục dứt điểm những tồn tại.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng kiến nghị trung ương cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự theo hướng chú trọng vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, quy định bắt  buộc xử lý tội phạm tham nhũng phải áp dụng hình phạt bổ sung nhằm thu hồi đủ giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật cũng phải thực hiện nghĩa vụ nêu trên.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng nhân kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng thành phố.  Ảnh: C.K

Đề nghị gỡ “nút thắt” sân vận động Chi Lăng

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, một trong những vấn đề khó khăn đối với Đà Nẵng hiện tại chính là tìm ra hướng giải quyết đối với sân vận động Chi Lăng liên quan đến thủ tục thi hành án trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh. Theo ông Thơ, chủ trương chuộc lại sân vận động hiện đang gặp nhiều vướng  mắc do việc thi hành bản án để tiến hành thu hồi, phát mãi, đấu giá khó thực hiện. Thành phố đã có báo cáo Thủ tướng kèm theo đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Trong đó có việc kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại bản án, nghiên cứu hủy quyết định hành chính trước đây của UBND thành phố trong việc giao đất cho tập đoàn Thiên Thanh vì không đúng quy định. Đây là phương án khả dĩ nhất để xử lý dứt điểm, tránh kéo dài phức tạp thêm tình hình.

Ông Nguyễn Thái Học – Phó ban Nội chính Trung ương cũng thừa nhận quá trình thi hành án đối với bản án này rất khó khăn về mặt dân sự. Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, nếu buộc phải thi hành theo bản án phúc thẩm đã có hiệu lực thì không thể thi hành được. Trong khi đó, đề nghị của UBND TP Đà Nẵng là thỏa thuận, thương lượng để nhận lại sân vận động Chi Lăng cũng quá khó khăn. Không thể nào đưa 1.200 tỷ đồng để lấy lại, vì thỏa thuận là phải có sự đồng ý của tất cả các bên. Chính vì vậy, cơ quan chức năng đi đến thống nhất đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật, xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, vì trước đây UBND thành phố Đà Nẵng cấp đất không đúng quy định để tập đoàn Thiên Thanh chia lô sân vận động Chi Lăng đưa vào ngân hàng vay tiền. “Cái đó không đúng thì giờ phải hủy, mà hủy thì các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì mình làm không đúng. Còn nguyện vọng của các bên sẽ được xem xét giải quyết bằng các vụ việc dân sự. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Chính phủ quan tâm. Nếu không hủy bản án có hiệu lực pháp luật này thì mọi việc giải quyết tiếp theo sẽ không làm được”, ông Học kiến nghị.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, việc thu hồi lại sân vận động Chi Lăng có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng. Nhưng mọi thủ tục phải được thực hiện theo đúng quy định, đúng trình tự, thẩm quyền.  Vụ án này đang được dư luận xã hội rất quan tâm, số tiền phải thu hồi ở thành phố Đà Nẵng rất lớn (gần 4.000 tỷ đồng), trong khi tài sản phải xử lý để thi hành án là dự án khu phức hợp dịch vụ cao tầng Sân vận động Chi Lăng còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý chưa được giải quyết. Sắp tới đây, Bộ Tư pháp sẽ có báo cáo đề xuất việc thi hành án và các cơ quan của Trung ương cũng như Đà Nẵng ngồi lại xem xét, đánh giá bản án tuyên đã đúng quy định của pháp luật hay chưa. Cần xem xét nếu việc cấp đất, giao đất của UBND thành phố Đà Nẵng trước đây không đúng quy định thì tòa án phải xem lại cách giải quyết vụ án.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, việc kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng nói chung và kiểm tra công tác thu hồi tài sản tham nhũng là công việc thường xuyên. Thông qua kiểm tra để đánh giá những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc đồng thời có những đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản. Trong suốt thời gian qua, Đoàn Kiểm tra số 1 đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường vụ Thành ủy với sự chuẩn bị nghiêm túc, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thành phố. “Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, các cơ quan liên quan của thành phố kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện các công việc Thành ủy giao, phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Thành ủy, các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện đồng thời chủ động rà soát các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền để giải quyết, đảm bảo việc xử lý đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng. Các kiến nghị của Thành ủy Đà Nẵng sẽ được đoàn kiểm tra ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương để sớm có những hướng dẫn cụ thể, phối hợp giải quyết  hiệu quả”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết.

CÔNG KHANH