Đà Nẵng: Tìm lời giải cho bài toán phát triển đô thị
Sau 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị, Đà Nẵng đạt được những thành tựu gì? Giải pháp nào để quy hoạch phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững?... là chủ đề được đưa ra tại buổi tọa đàm do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị (QHPTĐT) thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 2-8, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội.
Diện mạo đô thị Đà Nẵng đã có nhiều đột phá, khởi sắc, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. |
Buổi tọa đàm thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia về quy hoạch đô thị trong cả nước.
Thành tựu nhiều...
Theo KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội QHPTĐT Đà Nẵng, kể từ khi được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, TP Đà Nẵng đã có những bước phát triển vô cùng nhanh chóng, dần trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là một trong những đô thị hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, theo KTS Phan Đức Hải, sự phát triển đô thị của Đà Nẵng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thậm chí đang xuất hiện nhiều hệ lụy. Vì vậy, buổi tọa đàm là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nhân, giới truyền thông và cả những cá nhân, tập thể tâm huyết với sự phát triển của thành phố cùng trao đổi, bàn bạc, đề xuất các ý tưởng sáng tạo, có giá trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố trong xu thế hội nhập toàn cầu, hướng đến tầm nhìn “thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và là thành phố biển đẳng cấp khu vực Châu Á” theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam, “cha đẻ” của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1993 cho rằng, bước sang thế kỷ 21, Đà Nẵng phát triển nhanh chóng và trở thành hiện tượng nổi bật trong quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, nhiều dự án để lại dấu ấn, được đầu tư khá bài bản và tuân thủ quy hoạch trên cơ sở những điều chỉnh cần thiết và hợp lý. “Ngoài hệ thống giao thông đô thị được xây dựng hiện đại, bộ khung đô thị kết nối bắc - nam thành phố và hệ thống cầu qua sông Hàn, sông Cẩm Lệ được nghiên cứu, lựa chọn, thiết kế và đầu tư có giá trị cao về thẩm mỹ, về kiến trúc, đạt được dấu ấn cho từng cây cầu bắc qua sông Hàn, thực sự là những tác phẩm của kỹ thuật và nghệ thuật”, KTS Chính nói. Đồng thời nhìn nhận, tuy rằng trong quá trình phát triển vẫn còn đó những bất cập trong quy hoạch và quản lý khi vấn đề phát triển đô thị đang là thách thức trong quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Song, những ai đã từng đến với Đà Nẵng đều cùng chung ý nghĩ với cư dân thành phố này - Đà Nẵng là thành phố đáng sống.
Đồng quan điểm, KTS Bùi Huy Trí cho rằng, 20 năm qua, công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng. Đây có thể coi là giai đoạn khai phá, định hình và tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo. “Qua hơn 20 năm, đô thị Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc cả về không gian, chất lượng hạ tầng, kinh tế, xã hội. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị lớn của miền Trung. Sự kiện tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC là minh chứng về một đô thị có sự phát triển khá toàn diện về kết cấu hạ tầng”, KTS Trí nhấn mạnh.
Hệ lụy không ít...
“Sự phát triển của Đà Nẵng trong 20 năm qua là rất đáng khích lệ và tự hào. Tuy nhiên, quá trình phát triển đến thời điểm hiện nay của Đà Nẵng cũng đã bộc lộ những hạn chế biểu hiện trước mắt và tiềm ẩn những hệ lụy trong tương lai, chưa xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện sẵn có”, KTS Phan Đức Hải nhìn nhận. Bất cập nổi lên theo KTS Hải, đó là có nhiều đồ án quy hoạch đã không tuân thủ các định hướng quy hoạch 2003 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điển hình là làm thay đổi chức năng, thậm chí có thể nói là làm mất đi một không gian chức năng hết sức quan trọng là công viên trung tâm thành phố; xâm lấn vào một không gian sinh thái tự nhiên ở khu vực nhạy cảm về môi trường... Ngoài ra, các quy hoạch chi tiết mà chủ yếu là áp dụng giải pháp chia lô nhà phố liền kề (5mx20m) để bán cho các nhà đầu tư, người dân, trong nhiều trường hợp đã lấn vào các khu vực trung tâm theo định hướng quy hoạch chung. “Hậu quả của việc không kiểm soát tốt công tác quy hoạch như đã nêu trên là mất kiểm soát trong sử dụng đất xây dựng đô thị, trong việc hình thành và phát triển các không gian chức năng, không gian kiến trúc, cảnh quan... Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình tái cấu trúc và phát triển đô thị trong tương lai”, KTS Hải chia sẻ.
KTS Bùi Huy Trí thì cho rằng, sự phát triển quá nhanh và có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các KCN, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường và nhà ga đường sắt... nay bị bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới. Bên cạnh đó, đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở, điều này phản ánh hiệu quả sử dụng đất khá thấp...
Giải pháp nào để phát triển bền vững?
TS.KTS Trương Văn Quảng, Hội QHPTĐT Việt Nam cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh như ở nước ta, trong đó có Đà Nẵng, thì để đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân, đồng thời tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai vốn ngày càng eo hẹp, hướng tới sự phát triển bền vững, giải pháp quy hoạch đô thị được coi là hữu hiệu là phát triển đô thị theo mô hình đô thị nén, đô thị vươn theo chiều cao. “Đây là xu hướng chung, tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới. Với tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén sẽ càng phát huy vai trò của nó, an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất cao hơn, diện mạo kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại, đô thị thông minh, thân thiện và sinh thái hơn”, KTS Quảng nêu giải pháp.
Đề cập đến các giải pháp nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh và bền vững, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện QHĐT và Nông thôn Quốc gia nhìn nhận, phát triển Đà Nẵng thông minh trước tiên phải làm cho QHĐT trở thành công cụ sắc bén, hiệu quả để định hướng tổng thể quá trình phát triển trước khi sử dụng các công cụ cụ thể về công nghệ. Ngoài ra, QHĐT cũng phải làm rõ đô thị thông minh cần thông minh ở khía cạnh nào, lĩnh vực nào là ưu tiên.
Cùng quan điểm phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh, PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam cho rằng, muốn hướng đến xây dựng đô thị thông minh thì cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản như phục vụ chính quyền thông minh, con người thông minh, giao thông và hạ tầng kỹ thuật thông minh, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh, kiểm soát môi trường và năng lượng, nền kinh tế số tăng trưởng và bền vững... Để làm được điều này, theo PGS. TS Lưu Đức Hải, Đà Nẵng cần phải cải cách công nghệ và quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng chuyển từ quy hoạch tĩnh sang quy hoạch động, với việc ứng dụng công nghệ theo hướng hiện đại. Đặc biệt, phải tập trung vào 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển...
D.HÙNG