Đà Nẵng tìm mô hình công nghiệp mới (Bài 2: Nhiều bất cập và áp lực)

Thứ tư, 10/04/2019 08:41

Đặt lên bàn cân để thấy bên cạnh hiệu quả từ các khu công nghiệp (KCN) mang lại thì những áp lực về môi trường, an sinh xã hội, an ninh trật tự... cũng đang tạo gánh nặng lên địa phương. Những áp lực này xuất phát từ nhiều bất cập mà mô hình KCN cũ tạo ra.

Khu đô thị được xây cách KCN Hòa Khánh mở rộng chỉ 1 con đường.

Áp lực hạ tầng xã hội

Khi xây dựng, phát triển các KCN mới chỉ tập trung vào hạ tầng cơ sở để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm mà chưa quan tâm đến thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đời sống sinh hoạt của công nhân, đặc biệt là các công trình phúc lợi. Hiện 6 KCN ở Đà Nẵng với hơn 76 ngàn lao động nhưng chỉ có 2 cơ sở mầm non đáp ứng cho khoảng 700 trẻ là con công nhân và 1 trung tâm văn hóa ở KCN Hòa Khánh. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn, mục đích xây dựng, phát triển các KCN của Đà Nẵng còn để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là lao động mất đất sản xuất trong quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Song trong thực tế, hơn 76 ngàn lao động thì chỉ có hơn một nửa là lao động ở Đà Nẵng còn lại từ các địa phương khác đổ về. Ông Phạm Tấn Xử, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của lao động Đà Nẵng rất cao. Lao động ở Liên Chiểu xin vào làm việc trong các KCN rất khó khăn, DN không nhận vì e ngại gần nhà, thường xuyên nghỉ lo việc gia đình, nên ưu tiên cho lao động ở xa đến, dễ bám trụ.

Vấn đề đặt ra ở đây, khi lao động nơi khác đổ về, tập trung số lượng lớn sẽ gây áp lực quá tải lên hạ tầng xã hội, từ nhà ở, trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa... đòi hỏi TP phải tiếp tục đầu tư. Ông Lê Minh Trung, Phó chủ tịch HĐND Đà Nẵng cho biết, đầu năm học ở Liên Chiểu vỡ tuyến đầu vào, các trường quá tải, nhu cầu xin học quá cao, số trường lớp không đáp ứng đủ. Bên cạnh đó là các áp lực về môi trường, nhà ở, an ninh trật tự, an sinh xã hội... “Vì không có chỗ ở đàng hoàng, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, các dịch vụ tiện ích, liệu các khu nhà trọ có là các khu ổ chuột trong tương lai không?”- ông Trung đặt câu hỏi. Tất cả các vấn đề này đang đặt ra gánh nặng đòi hỏi địa phương phải giải quyết.

Một mục tiêu quan trọng khác khi đầu tư KCN là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các DN nước ngoài. Tuy vậy, theo đánh giá hiện công nghệ sản xuất của các DN trong KCN ở bậc thấp, nhiều DN còn lạc hậu. Ông Lê Hoàng Đức cho biết, do thu hút đầu tư vào KCN những năm đầu chú trọng về số lượng, phục vụ các DN giải tỏa di dời để chỉnh trang đô thị của TP nên các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, hàm lượng công nghệ thấp, khả năng sắp xếp lại rất khó khăn. Việc đổi mới, nâng cấp công nghệ sản xuất chỉ thường được triển khai khi dự án mở rộng quy mô, công suất. Ông Đức nói, trong những năm gần đây, BQL đã ưu tiên bố trí đất cho các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Tuy vậy việc chuyển giao công nghệ thì diễn ra chậm bởi lẽ dù được làm việc trong các DN nước ngoài, được tiếp xúc với kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới, hiện đại nhưng lao động người Việt chưa được đảm nhận các vị trí quản lý chuyên môn, vận hành thiết bị và chịu trách nhiệm về kỹ thuật. 

 Ô nhiễm môi trường từ các lĩnh vực sản xuất như giấy, thép, nhựa đang tạo áp lực lớn với các KCN.

Áp lực môi trường

Hiện nay các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường thường phát sinh chủ yếu ở KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu và DVTS Thọ Quang. Chẳng hạn ở KCN Hòa Khánh liên quan tới DN sắt thép, khả năng xử lý của Trạm xử lý nước thải tập trung, nước thải chất thải rắn ảnh hưởng đến khu vực hồ Bàu Tràm. Tại KCN Liên Chiểu liên quan tới trạm xử lý nước thải (XLNT) ảnh hưởng tới khu vực lân cận, khói bụi tại các nhà máy xi-măng Hải Vân, thép Đà Nẵng. Liên quan tới việc DN xả nước thải tràn ra đường Mê Linh, ông Trần Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Cty CP đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN), chủ đầu tư KCN Hòa Khánh mở rộng cho biết xuất phát từ việc cho thuê nhà xưởng trái phép của Cty Ecico. Một đơn vị thuê lại nhà xưởng trái phép của Ecico nhiều lần bị phát hiện xả nước thải tràn dọc đường Mê Linh, SDN đã nhiều lần có văn bản gửi các sở ngành việc Ecico cho thuê nhà xưởng trái phép gây ô nhiễm nhưng đến thời điểm này Ecico vẫn cho thuê nhà xưởng trái phép gây mất mỹ quan và ô nhiễm khu vực.

Tại KCN DVTS Thọ Quang do đặc thù ngành nghề sản xuất, chế biến thủy hải sản nên nước thải có nồng độ ô nhiễm cao, đi kèm với vấn đề liên quan đến mùi hôi. Trạm XLNT tập trung của KCN này đã xuống cấp, dẫn đến việc không thể xử lý triệt để nước thải và mùi hôi. Bên cạnh đó, hệ thống XLNT cục bộ tại các DN trong KCN này không thể hoạt động ổn định trong mùa cao điểm (từ tháng 4 đến 10) cũng làm ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Từ năm 2018, mặc dù một phần nước thải từ các DN trong KCN này được đưa về xử lý tại trạm XLNT Sơn Trà, tuy nhiên do nồng độ ô nhiễm trong nước thải thường rất cao trong giai đoạn mùa vụ cao điểm, dẫn đến việc có những thời điểm trạm XLNT Sơn Trà không thể xử lý nước thải.

Hiện nay khoảng cách ly an toàn giữa KCN với khu dân cư cũng đang đặt ra nhiều thách thức khi mà hầu hết các KCN quá gần khu dân cư. Tại KCN Hòa Khánh mở rộng được quy hoạch hơn 212 ha, nhưng TP đã thu hồi một phần để chuyển thành khu dân cư, khiến diện tích KCN còn lại là 132,6 ha. Tại đường Mê Linh, khu đô thị đang được xây dựng rầm rộ, nhà cửa san sát và chỉ cách một con đường là tới các nhà máy trong KCN. Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị, HĐND Đà Nẵng băn khoăn, khi quy hoạch KCN đã có qui định phải cách ly khu dân cư đủ an toàn, nhưng bây giờ lại cho xây khu đô thị sát KCN. Bài học từ 2 nhà máy thép TP đã phải đi giải quyết hậu quả, tại sao vẫn không được cảnh báo ở đây?

Ngoài ra tại các KCN hiện đang tồn tại nhiều bất cập, như việc bố trí dự án lộn xộn, không theo quy hoạch phân khu hay việc cho thuê đất làm kho bãi còn nhiều, trong khi hạ tầng KCN đầu tư để phục vụ sản xuất, chi phí đầu tư cao. Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND Đà Nẵng cho biết, hiện trong các KCN vẫn còn đất trống, nhiều dự án hoạt động chưa hiệu quả, cho thuê lại đất hưởng chênh lệch, trong khi DN có nhu cầu thuê đất sản xuất thực sự lại khó tiếp cận. Theo ông Cường, có DN phản ánh muốn thuê lại đất sản xuất trong KCN phải qua 3-4 đầu mối (tức là tới f3, f4) giá đội lên rất cao, không thể tiếp cận nổi. Điều này làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường thu hút đầu tư của Đà Nẵng. Ông Cường cho rằng phải khẩn trương rà lại hiệu quả hoạt động của các dự án, làm sao để đánh giá, sử dụng hiệu quả nhất trên từng m2 đất trong các KCN.

HẢI QUỲNH