Đà Nẵng triển khai Đề án “Xây dựng mô hình trường học an toàn - Phòng chống thiên tai”
Ngày 4-11, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng phối hợp Sở GD-ĐT thành phố tổ chức hội nghị triển khai Đề án “Xây dựng mô hình trường học an toàn-Phòng chống thiên tai tại các trường THCS” và Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên, học sinh các trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng”.
Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành trọng điểm về thiên tai với nhiều loại hình thiên tai phổ biến như bão,lũ lụt, sạt lở, cháy rừng, lốc, sét… Việc triển khai Đề án “Xây dựng mô hình trường học an toàn-Phòng chống thiên tai tại các trường THCS” nhằm tăng cường khả năng chống chịu, ứng phó với thiên tai thông qua giáo dục, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (HS) cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng. Cùng đó, thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai tại mỗi cơ sở giáo dục nhằm hạn chế tối đa sự gián đoạn các hoạt động dạy học. Theo đó, mỗi quận, huyện lựa chọn 50% số trường THCS tham gia thực hiện Đề án. Cụ thể, có khoảng 30 trường THCS trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện Đề án. Sau khi kết thúc Đề án, Sở GD-ĐT sẽ nhân rộng mô hình này đến các cấp học phổ thông còn lại.
Đối với Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên, học sinh các trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng”, 100% các trường tiểu học sẽ tham gia thực hiện Đề án; đối tượng trực tiếp là giáo viên, HS lớp 5 trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của ngành Y tế thành phố, năm 2022, trên địa bàn toàn thành phố có 3.476 trẻ trong độ tuổi từ 5-14 tuổi bị tai nạn thương tích (TNTT), 1 trường hợp tử vong. Vì vậy, việc trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành về sơ cấp cứu cho đội ngũ giáo viên, HS là rất cần thiết, nhằm xử lý hiệu quả các trường hợp TNTT, hạn chế thấp nhất hậu quả đáng tiếc do TNTT gây ra, góp phần xây dựng trường học an toàn phòng chống TNTT và mở rộng mạng lưới tình nguyện viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ tại cộng đồng.
Thanh Hoa