Đà Nẵng triển khai diện rộng mô hình VNEN

Thứ năm, 30/07/2015 10:28

(Cadn.com.vn) - Bắt đầu từ năm học 2015-2016, mô hình trường học mới VNEN (Viet Nam Escuela Nuvea - mô hình trường học mới Việt Nam) cho học sinh khối lớp hai sẽ được triển khai diện rộng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đây là mô hình trường học mới với cách dạy hướng tới việc học tập chủ động của học sinh, dạy học thông qua tổ chức các hoạt động của học sinh, tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác.

Trong mô hình VNEN, học sinh là chủ thể của hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt sẵn.

Với mô hình VNEN, học sinh sẽ được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, trực tiếp quan sát, làm thí nghiệm, thảo luận, giải quyết vấn đề đặt ra theo suy nghĩ cá nhân, từ đó nắm được kiến thức mới, kỹ năng mới vừa được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.

Việc học tập hợp tác được tổ chức ở cấp nhóm, tổ, lớp nhưng được sử dụng phổ biến nhất trong dạy học là hoạt động hợp tác trong nhóm nhỏ 4 đến 6 người. Hoạt động trong tập thể nhóm sẽ làm cho từng thành viên được bộc lộ suy nghĩ, hiểu biết thái độ của mình, qua đó được tập thể uốn nắn, điều chỉnh, phát triển tình bạn, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tương trợ, ý thức cộng đồng.

Mô hình VNEN sẽ nhanh chóng đi vào nề nếp tại Đà Nẵng.

Phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, người được giáo dục trở thành người tự giáo dục, là nhân vật tự giác, chủ động có ý thức về sự giáo dục của bản thân mình, tạo cho các em lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có.

Cô giáo Trần Thị Hải Vân, giáo viên Trường Tiểu học Phù Đổng cho biết: Theo mô hình này, học sinh được tổ chức ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là "hội đồng tự quản học sinh", các ban hội đồng tự quản học sinh do các em bầu ra. Đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập.

Học sinh còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động. Đồng thời, xây dựng không gian lớp học với "góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học", mở nhiều hòm thư vui, hòm thư "điều em muốn nói" cũng như trang trí lớp học, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho học sinh.

"Bản thân tôi cũng như các giáo viên đã được tập huấn, thực tế tại các trường tiểu học ở Quảng Nam và nhận thấy học sinh khi tham gia sẽ bộc lộ suy nghĩ, hiểu biết thái độ của mình. Học sinh cũng quen dần với sự phân công hợp tác trong lao động xã hội. Trong hoạt động hợp tác, mục tiêu hoạt động là chung của nhóm nhưng mỗi cá nhân được phân công một nhiệm vụ cụ thể. Trong nhóm nhỏ, mỗi cá nhân đều phải nỗ lực, không thể ỷ lại vào người khác, toàn nhóm phải phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu chung", cô Vân nói.

Mô hình tự học VNEN đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cái khó hiện nay là tiết học VNEN đang gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, hạn chế về cơ sở vật chất... Tham dự một buổi họp phụ huynh cuối năm tại Trường Tiểu học Phù Đổng, chúng tôi thấy sự đồng thuận rất cao của cha mẹ học sinh trong quá trình triển khai chương trình này. Chị Quảng, phụ huynh học sinh lớp 1 chia sẻ: "Tôi có hai con đều học ở Trường Tiểu học Phù Đổng nhưng tính tự giác của các cháu chưa cao. Tôi rất mong sớm triển khai mô hình VNEN để con cái mình sớm tự lập". Nhiều phụ huynh cũng đồng suy nghĩ như chị Quảng.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, hiện nay Phương pháp dạy học "thầy giảng - trò nghe" đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi giáo viên. Do vậy, việc thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy học cũ bằng một phương pháp dạy học mới cần phải có thời gian để thầy cô làm quen và rút ra những kinh nghiệm thực tế. Yêu cầu của dự án là học sinh khi học lên lớp 2 phải biết đọc và biết viết thành thạo thì mới thực hiện được bài học, nhưng thực tế tỷ lệ học sinh yếu tiếng Việt vẫn còn cao. Một số phụ huynh lại có tâm lý hoang mang khi tham gia học theo phương pháp mới, họ sợ con em mình không tiếp thu được kiến thức bài học, nhất là đối tượng học sinh trung bình, yếu...

Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết: "Thực ra, mô hình VNEN triển khai rất đơn giản, hiệu quả lại rất cao. Vừa qua, Đà Nẵng có một trường ở Hòa Phú (Hòa Vang) đã triển khai rất tốt. Trong năm học tới đây, đa số các quận trên địa bàn đã đăng ký thí điểm một số trường và tôi tin rằng sẽ nhanh chóng đi vào nền nếp.

Để phương pháp này đạt được hiệu quả cao, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động của dự án tới phụ huynh học sinh; tăng cường công tác bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng đọc cho học sinh, tập trung vào đối tượng học sinh yếu; tổ chức các hoạt động giao lưu trong các tiết học, hướng dẫn học sinh biết cách tự nhận xét mình, nhận xét bạn, phản hồi trao đổi ý kiến nhằm tạo sự tự tin cho các em khi trình bày một vấn đề...".

Lê Anh Tuấn