Đà Nẵng trong cơn khát hướng dẫn viên các thị trường du lịch tiềm năng: Trông cậy ... người già

Thứ hai, 17/11/2014 10:55

(Cadn.com.vn) - Trong chiến lược tiếp cận và khai thác các thị trường du lịch tiềm năng để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường thế mạnh nhưng độ bền vững không cao, một trong những khó khăn có thể làm “trễ chuyến”, mất cơ hội vàng mà Đà Nẵng đang phải đối mặt, đó là số lượng và chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) tiếng hiếm. Đúng là hiếm thật, vì có một số thị trường có thể khai thác khách nhưng không bói ra người hướng dẫn biết tiếng, một số thị trường khác thì đội ngũ HDV đếm chưa hết trên đầu ngón tay.

TRỐNG TRƠN HDV BIẾT TIẾNG Ý

Thông tin từ Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 10-2014, trên địa bàn thành phố có 1.612 HDV du lịch, chiếm 8,7% nguồn nhân lực của Đà Nẵng và 10% tổng số HDV du lịch cả nước. Trong đó, HDV quốc tế là 916 người, HDV nội địa là 696 người. Một thực trạng đáng lo ngại là trong khi số lượng biết và hành nghề bằng tiếng Anh có tới 440 người, tiếp đó là tiếng Trung 192 người, tiếng Pháp 90 người... Trong khi đó, cả lực lượng đông như thế nhưng thành phố không có HDV tiếng Ý, chỉ có 1 HDV tiếng Lào, 4 người biết sử dụng tiếng Hàn Quốc, 18 người biết sử dụng tiếng Thái. Theo phân tích, thời gian qua các thị trường khách còn thiếu trầm trọng lực lượng HDV tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Ý, Đức.

Khách du lịch Nhật Bản nghe hướng dẫn khi tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Theo thống kê, trong 90 HDV tiếng Pháp, 71 HDV tiếng Đức và 37 HDV tiếng Nga thì đa số nằm trong độ tuổi 50-60, tức là những người đã từng có thời gian lao động, học tập, nghiên cứu ở những nước này về chứ không phải được đào tạo để làm HDV du lịch. Trong xu thế chung thì đội ngũ kế cận cho những người này sẽ ngày càng khan hiếm vì giới trẻ theo học những ngôn ngữ này đang ngày càng giảm dần. Thậm chí ngay trong thời điểm này, các Cty lữ hành phải liên kết với nhiều đơn vị ở hai đầu đất nước nhờ “trợ giúp” mỗi khi có nhiều đoàn khách đến từ những thị trường này.

Không chỉ vậy, tình trạng khát HDV khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành chuyên khai thác khách quốc tế đưa vào sử dụng người nước ngoài hiện đang lao động tại Việt Nam trực tiếp hướng dẫn cho đoàn khách tham quan, điều này lại vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, những người này chưa am hiểu hết văn hóa của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng nên đã thông tin đến du khách một số nội dung không chính xác, có thể dẫn đến việc hiểu sai về điểm đến, vô tình ảnh hưởng đến hình ảnh về đất nước, con người mà họ cần khám phá, tìm hiểu.

Một số ý kiến cho rằng, theo quy định của Tổng cục Du lịch, doanh nghiệp có thể sử dụng HDV quốc tế nói tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ mà trưởng đoàn khách quốc tế hiểu được) để giới thiệu cho khách, sau đó trưởng đoàn sẽ dịch lại cho cả đoàn. Tuy nhiên trong thực tế, doanh nghiệp thuê HDV quốc tế mang tính đối phó, đi theo cho đẹp đội hình, còn việc hướng dẫn vẫn là người nước ngoài đang lao động tại Việt Nam  đảm nhận.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP BỀN VỮNG

Trong một diễn đàn để tìm giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng HDV tiếng hiếm mới đây, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng và các hãng lữ hành đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn nêu trên. Theo một số HDV lâu năm thì nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc đa số người hướng dẫn hoạt động tự do, không có sự quản lý, ràng buộc từ doanh nghiệp lữ hành dẫn đến địa bàn hành nghề không cố định. Tiếp đó, việc phát triển du lịch chưa thực sự chuyên nghiệp cũng khiến nhiều người trẻ không thực sự mặn mà, sống chết với nghề. Cạnh đó, các đơn vị lữ hành khai thác thiếu tính bền vững, cơ sở đào tạo chưa biết rõ nhu cầu của nhà tuyển dụng, định hướng thị trường nên chính bản thân HDV chưa thực sự cứng cáp và làm chủ được mình để có thể hành nghề một cách chuyên nghiệp.

Theo các chuyên gia, các đơn vị lữ hành, Đà Nẵng cần phải xác định các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm trong thời gian tới và đề ra chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ HDV để khai thác có hiệu quả, tránh việc bỏ lỡ cơ hội chỉ vì không có người biết tiếng của thị trường khách du lịch đó. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho rằng, ưu tiên đầu tiên trong nhiệm vụ này chính là xây dựng mô hình liên kết đào tạo. Sở sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin về định hướng thị trường và đánh giá, kiểm tra cấp thẻ hành nghề.

Các Cty du lịch sẽ mời chuyên gia của đối tác về dạy ngoại ngữ, nghiệp vụ thực tế và hướng dẫn thực tập. Trong khi đó các cơ sở đào tạo phải tăng cường tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như mở thêm các khoa tiếng hiếm về chuyên ngành du lịch. Cạnh đó, việc tăng cường công tác thanh kiểm tra để đảm bảo môi trường cho HDV đủ điều kiện đi hướng dẫn, xây dựng CLB HDV trở thành một tổ chức cung ứng cho doanh nghiệp... cũng sẽ được đẩy mạnh.

Đà Nẵng đang trở thành điểm đến du lịch ấn tượng với lượng du khách quốc tế tăng lên từng năm. Và để giữ được sự ổn định ở các thị trường khách truyền thống cũng như thu hút, hấp dẫn những miền đất mới thì ngoài công tác xúc tiến, quảng bá, chắc chắn ngành du lịch phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, chuyên nghiệp, mà trong đó lực lượng HDV đóng vai trò rất quan trọng. Sức sống du lịch từ một thành phố trẻ, có chút tiếng tăm, có tên trong các tạp chí du lịch danh tiếng của thế giới mà đội ngũ HDV còn phụ thuộc vào những người già, phải tăng cường từ địa phương khác hoặc sử dụng lao động phổ thông để phiên dịch thì khó mà nói đến sự chuyên nghiệp và bền vững.

Công Khanh