Đà Nẵng tuyên truyền bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, phong phú

Thứ ba, 23/03/2021 07:56

Ngày 23-5-2021 sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện quan trọng, đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp; là dịp để Nhân dân thành phố Đà Nẵng trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Vĩnh - UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy về công tác tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (sau đây gọi tắt là bầu cử) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

P.V: Thưa ông, công tác tuyên truyền bầu cử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến nay đã và đang được triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Ngay sau khi thành lập, ngày 22-1-2021, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã có Thông báo số 03/TB-UBBC về phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên Ủy ban bầu cử một cách cụ thể và chi tiết để đảm bảo thực hiện tốt công tác bầu cử; đồng thời ban hành Quyết định số 05/QĐ-UBBC về thành lập Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền. Trong đó, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cuộc bầu cử.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và trên cơ sở Hướng dẫn số 196-HD/BTGTW ngày 20-1-2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 08-HD/BTGTU ngày 28-1-2021 về tuyên truyền bầu cử, đảm bảo theo đúng chủ trương, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với đặc điểm tình hình của TP Đà Nẵng.

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy, các cấp, sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị, báo, đài địa phương đã đồng bộ vào cuộc triển khai thực hiện, ban hành kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền bầu cử một cách chi tiết, cụ thể trên từng lĩnh vực, phù hợp với từng đối tượng, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong đó, vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tư pháp, Mặt trận và các hội đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, UBND các quận, huyện và phường, xã, các báo, đài địa phương là rất quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền bầu cử.

P.V: Ông có thể cho biết nội dung trọng tâm của công tác tuyên truyền bầu cử là gì, đợt tổ chức cao điểm là khi nào?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Điều đáng chú ý trong cuộc bầu cử lần này, thành phố Đà Nẵng sẽ không tổ chức HĐND cấp quận, phường kể từ ngày 1-7-2021 do thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH/14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, Ban Tuyên giáo Thành ủy xác định công tác tuyên truyền bầu cử lần này cần phải làm cho cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân thành phố hiểu rõ bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo sự nhất trí cao về nhận thức, hành động của hệ thống chính trị và Nhân dân trong cuộc bầu cử, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Để công tác tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, báo, đài địa phương phải tập trung tuyên truyền vào ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, tham gia tự giác, tích cực, chủ động… tuyên truyền Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội.

Thời gian tuyên truyền bầu cử được chia ra làm 3 đợt: Đợt 1 tổ chức tuyên truyền trước ngày bầu cử (bắt đầu từ tháng 2-2021 đến đầu tháng 4-2021); đợt 2 tổ chức tuyên truyền cao điểm và trong ngày bầu cử (từ đầu tháng 4-2021 đến ngày bầu cử 23-5-2021); đợt 3 tổ chức tuyên truyền sau ngày bầu cử (sau ngày 23-5-2021 đến khi công bố kết quả cuộc bầu cử).

P.V: Công tác tuyên truyền bầu cử trên địa bàn thành phố được triển khai bằng những hình thức nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức được đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của bầu cử, cũng như tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong Nhân dân trên địa bàn thành phố trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin để các cấp, cơ quan, đơn vị, báo, đài tổ chức tuyên truyền bầu cử với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế.

Theo đó, các cấp, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền bầu cử thông qua hình thức tuyên truyền miệng, hội nghị, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phát hành các loại tờ gấp, tờ rơi. Tuyên truyền bầu cử bằng hình thức trực quan, như: pa-nô, băng-rôn, cờ-phướn, bảng điện tử với nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu; tuyên truyền bằng xe lưu động, trên hệ thống truyền thanh. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tuyên truyền và chào mừng bầu cử. Bên cạnh đó, các cấp, cơ quan, đơn vị còn sử dụng các fanpage, các nhóm trên mạng xã hội để tuyên truyền; xây dựng bộ các câu hỏi – đáp nội dung liên quan đến bầu cử chuyển tải thông tin đến người dân.

Bên cạnh đó, các cấp, cơ quan, đơn vị vận động cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người lao động sử dụng các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội thường xuyên đăng tải, chia sẻ thông tin tuyên truyền bầu cử từ các trang mạng, báo, đài chính thống.

Các báo, đài địa phương mở các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức chương trình tọa đàm; tăng cường thời lượng, các tuyến tin, bài; phối hợp xây dựng các video clip, file âm thanh về tuyên truyền bầu cử. Các Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị mở các chuyên mục cập nhật các văn bản hướng dẫn, tin bài bầu cử và đặt banner tuyên truyền.

Thông qua công tác điểm báo hằng tuần, Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các báo, đài tổ chức tuyên truyền bầu cử bám sát vào chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố. Đồng thời chủ động có hình thức tuyên truyền nội dung sách “Hỏi - Đáp về bầu cử” do Hội đồng bầu cử quốc gia biên soạn. 

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở cơ sở, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân và những thông tin liên quan đến công tác bầu cử, kịp thời phản ánh về Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu cho Thường trực Thành ủy chỉ đạo xử lý. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 các cấp thường xuyên theo dõi, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, viết bài để phản bác các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội về bầu cử; các hoạt động của các thế lực cơ hội, thù địch, phản động chống phá công tác bầu cử. Đồng thời, tổ chức chuyển tải thông tin tuyên truyền bầu cử đến cán bộ, đảng viên thông qua bản thông tin nội bộ, thông tin công tác tuyên giáo hằng tháng.

Ngoài ra, Sở Ngoại vụ tổ chức phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, tuyên truyền bầu cử. Nội dung tuyên truyền hoạt động bầu cử được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để không chỉ người Việt trong nước, mà đồng bào ta ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, cũng như cộng đồng thế giới có thể theo dõi, quan tâm và ủng hộ sự kiện này của đất nước.

P.V: Xin ông cho biết, hiện nay công tác tuyên truyền bầu cử gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Thuận lợi thứ nhất phải kể đến là, cuộc bầu cử diễn ra ngay sau thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thứ hai là, Việt Nam đã cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội và an ninh trật tự. Thứ ba là, công tác tổ chức bầu cử có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có được sự đồng thuận của xã hội. Thứ tư là, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên các báo trung ương và các tỉnh, thành thường xuyên tác nghiệp, luôn phối hợp và hỗ trợ cho thành phố trong công tác thông tin, tuyên truyền. Từ những thuận lợi  đó đã tạo được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cuộc bầu cử lần này cũng gặp một số trở ngại, khó khăn nhất định. Các thế lực thù địch, cơ hội không ngừng âm mưu kích động, bôi nhọ, xuyên tạc và chống phá chế độ ta, nhất là cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, Việt Nam và thế giới đã chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường, nên mọi hoạt động bầu cử phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; hội nghị cử tri, hội nghị tiếp xúc cử tri và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng bầu cử sẽ hạn chế tập trung đông người, phần nào đó làm giảm bớt đi không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.

Có thể nói, đến thời điểm này công tác tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang được triển khai kịp thời, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phương pháp và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và thành phố, vì thế việc chọn ra được những người có đức, có tài, có tâm huyết, xứng đáng là người đại biểu đại diện cho cử tri là hết sức quan trọng và cần thiết; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN THUẤN (thực hiện)