Đà Nẵng: Tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt chiếm trên 80%
(Cadn.com.vn) - Ngày 1-12, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí làm việc với Đoàn Kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn về kiểm tra tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2016 tại TP Đà Nẵng.
Tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt tăng mạnh
Ông Trần Văn Dư, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, việc mua sắm ở các siêu thị, tỷ lệ bày bán hàng Việt Nam chiếm trên 85%, tỷ lệ tiêu thụ từ 50% năm 2009 đến nay đã vượt hơn 80%. Về phía các nhà doanh nghiệp (DN) cũng đã ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình. Nhiều DN đã chủ động có những hoạt động đưa hàng hóa về phục vụ các khu công nghiệp, khu dân cư, vùng nông thôn; tham gia tích cực các hội chợ triển lãm, thương mại địa phương, vùng, miền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường nội địa và đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại buổi kiểm tra. |
Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng đã triển khai các chương trình hỗ trợ DN trên địa bàn ứng dụng thương mại điện tử như hỗ trợ 100% kinh phí cho 10 đơn vị, HTX, cơ sở SXKD để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình và hỗ trợ 100% chi phí cho 10 DN XNK xây dựng trang Hồ sơ năng lực trực tuyến. Nằm trong nỗ lực chung đó, TP cũng đã triển khai phổ biến Đề án phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp và TTCN ưu tiên của TP Đà Nẵng đến năm 2020, Chương trình Thương hiệu Quốc gia đến các DN trên địa bàn.
Trong năm, đã có 4 DN đăng ký tham gia Chương trình này gồm: Cty CP Dược Danapha, Cty CP Dệt may 29-3, Cty CP Bình Vinh, Trung tâm Sản xuất thiết bị điện tử Điện lực miền Trung trực thuộc Tổng Cty Điện lực miền Trung. Nhiều hội nghị kết nối cung cầu giữa Đà Nẵng và các địa phương cũng như việc tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm quy mô lớn đã tạo điều kiện cho các DN ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của nhau; tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam đã tạo hiệu ứng tốt cho Cuộc vận động.
Các chợ ở Đà Nẵng hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong ảnh: Lễ khai trương một điểm bán hàng Việt Nam. Ảnh: BQLCCĐN |
Chọn cách tiếp cận mới
Ông Phan Hải, Giám đốc Cty Giày BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng nhìn nhận, các DN trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh và tự thay đổi để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc một cách mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng đối với hàng Việt nhằm giữ vững lòng tin của người tiêu dùng. Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hà Bắc cho biết thêm, hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường được TP tiến hành thường xuyên trong việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt quan tâm việc kiểm tra, giám sát các DN lợi dụng Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng kém chất lượng, tồn kho, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... về bán tại các vùng nông thôn, miền núi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, Thường trực Thành ủy quan tâm chỉ đạo cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể về Cuộc vận động, gắn với việc kiểm tra, đôn đốc, duy trì việc tổng kết, khen thưởng. TP cũng tập trung vào công tác tuyên truyền để nâng cao lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi sử dụng hàng Việt. Đồng chí Võ Công Trí cho biết, sau đợt kiểm tra này, Thành ủy sẽ có văn bản chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động trên địa bàn TP nhưng đề nghị T.Ư cần có cơ chế, chính sách rõ ràng và đúng mức hơn để kích thích người tiêu dùng cũng như phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách đa dạng và có chiều sâu hơn.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải đánh giá cao cách làm của Đà Nẵng trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và khẳng định, đích đến cuối cùng của Cuộc vận động là nhằm động viên, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước để góp phần phát triển kinh tế mạnh và bền vững trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay. “Để Cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa hơn nữa, tạo sự đồng thuận cao thì việc tuyên truyền phải mang tính chuyên biệt và có chương trình cụ thể cho từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực”-Đồng chí Ngô Đông Hải nhấn mạnh.
Phương Kiếm