Đà Nẵng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm ngập úng

Thứ bảy, 27/10/2018 19:00

Năm 2017, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khẳng định đến cuối năm 2018 sẽ xử lý dứt điểm hiện tượng ngập úng khu vực nội thành. Tiến độ này xem ra sẽ khó khăn khi nhiều điểm ngập cũ chưa xử lý xong đã xuất hiện một số khu vực ngập cục bộ, trong đợt mưa đầu tuần vừa qua đã lộ rõ những hạn chế về khả năng thoát nước.

Cơn mưa đầu tuần vừa qua gây ngập bất thường khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Trận mưa liên tục vào khuya 21, rạng sáng 22-10 khiến nhiều tuyến đường, khách sạn, nhà dân ở khu vực An Thượng, Mỹ Đa Đông thuộc P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn bị ngập sâu nhiều giờ liền. Điều bất thường là chỉ trong khoảng 2 tháng qua, mỗi khi có mưa lớn là khu vực này lại bị ngập, hiện tượng từ trước đến nay người dân chưa từng chứng kiến. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, tổ 28, P. Mỹ An, chỉ chưa đầy một giờ, nước trong nhà ông dâng lên gần nửa mét, nhiều gia đình phản ứng chậm bị hư hỏng tài sản do di chuyển không kịp. "Trước đây chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến cảnh ngập lụt như vậy. Kể từ ngày cửa xả Mỹ An được nâng cấp đã 2 lần người dân trong khu vực lội bì bõm vì nước thoát ra biển chậm hơn", ông Hoàng cho biết. Lý giải về sự cố ngập úng bất thường rạng sáng 22-10, ông Mai Mã - Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay, vào thời điểm mưa lớn chỉ có 4/5 cửa phay tại cửa xả Mỹ An vận hành, 1 cửa còn lại không mở được do kẹt rác làm cản trở dòng chảy trong khi hệ thống tự động vận hành chưa ổn định. Theo ông Mã, địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn có 9 cửa xả ra biển nhưng chỉ mới có 1 cửa xả hỗn hợp vừa được đầu tư xây dựng nên khả năng thoát nước còn nhiều hạn chế. Khi mực nước trong cống lên hơn 1m thì cửa đáy mới mở, nếu gặp thời điểm mưa to mà 5 van lật phía trên mở không hết thì lượng nước thoát ra biển chậm hơn so với nước gom về nên sẽ ngập cục bộ khu vực dân cư trong khu vực.

Trong khi tại các cửa xả ra biển còn nhiều bất cập trong việc vận hành tự động thì một trong những nguy cơ ngập úng ở khu vực nội thành là khẩu độ của hệ thống cống thoát bị thu hẹp do hạ tầng của Cty Cấp nước, cáp viễn thông "tầm gửi". Nhiều khu vực như cầu Đa Cô, kênh Phần Lăng, Yên Thế - Bắc Sơn... thay vì phải tăng khẩu độ cho nước được gom nhanh hơn thì lại mọc lên những chiếc cống khiến nước bị phân thành từng ô hẹp, phía trong còn có ống nước, ống cáp đi qua. Nếu trời mưa lớn, không xử lý kịp, cỏ rác, bèo sẽ tấp vào và trở thành "đê" chặn nước gây ngập nặng. Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 26 điểm ngập úng, để xử lý cần đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các Ban quản lý thực hiện các công trình xử lý ngập úng, phải hoàn thành xóa 18 điểm ngập trong năm 2018. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành xử lý hết ngập 13 điểm, còn lại 5 điểm đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành theo đúng tiến độ. Riêng điểm ngập tồn tại lâu nay phía sau Trường Đại học Sư phạm (Q. Liên Chiểu) phải chờ chủ trương liên quan đến việc di dời, xây dựng Ga đường sắt mới. Còn 7 điểm khác sẽ tiếp tục thực hiện xử lý trong năm 2019.

Trận mưa tối 21-10 gây ngập nhiều khu vực tại Q. Ngũ Hành Sơn (ảnh người dân cung cấp).

Theo ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, sở dĩ có nhiều điểm ngập "kinh niên" đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm là do việc triển khai các dự án chống ngập vướng công tác giải phóng mặt bằng, hầu hết các công trình hiện nay tiến độ rất chậm. Ban quản lý và nhà thầu đã nỗ lực rất nhiều, tranh thủ triển khai thi công ngay khi có mặt bằng cục bộ nhưng vẫn không đảm bảo yêu cầu tiến độ công trình. Ông Hùng cho biết, các ban quản lý, chủ đầu tư đang tập trung cho một số công trình chống ngập úng trọng điểm như tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên, tuyến cống Khe Cạn (đoạn thượng lưu Ngã ba Huế) hay tuyến cống từ Kiệt 447 đường Nguyễn Lương Bằng ra hồ Bàu Tràm. "   Dự kiến năm nay sau khi hoàn thành các công trình nêu trên, tình hình ngập úng sẽ được cải thiện đáng kể. Đối với các khu vực đang triển khai dở dang, các Ban quản lý sẽ thực hiện giải pháp thoát nước tạm thời theo chỉ đạo của UBND thảnh phố. Hầu hết các hạng mục, công trình xử lý ngập úng đều thuộc dự án Phát triển bền vững, dự kiến thời gian đến sau khi hoàn thành các công trình thì cơ bản giải quyết được vấn đề ngập úng", ông Hùng cho biết.

CÔNG KHANH