Đà Nẵng vẫn chưa tìm ra phương án quản lý xe công khả thi

Thứ tư, 28/10/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Con số 40 ngàn xe công ngốn kinh phí mỗi năm 12,8 ngàn tỷ đồng được Bộ Tài chính công bố mới đây đang làm "nóng" dư luận. Tại Đà Nẵng, câu chuyện xe công đáng chú ý hơn bởi đây là một trong những địa phương đầu tiên cả nước xây dựng Trung tâm hành chính tập trung. Và, như ý tưởng của Cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi khởi sự Trung tâm hành chính, thì trong nhiều lợi ích, có lợi ích rất lớn là tiết kiệm xe công khi đưa xe công các sở, ngành về một mối, lãnh đạo nào đi đâu, làm gì sẽ quản lý được. Vậy thực sự diễn biến của câu chuyện này tới đâu, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Dũng- Phó Giám đốc Sở Tài chính để tìm câu trả lời.

Ông Lê Bá Dũng.

PV: Trước hết, xin ông cho biết Đà Nẵng hiện có bao nhiêu xe công và chi phí để "nuôi" các xe công mỗi năm?

Ông Lê Bá Dũng: Anh hỏi bất ngờ quá, hiện chúng tôi chưa thống kê được ngay. Muốn biết số lượng chính xác phải thống kê lại vì trong 6 tháng cuối năm 2015 rất nhiều sở, ngành xin thanh lý xe. Quy định xe chạy 250 ngàn km phải thay mới, nhưng có nhiều xe chạy trên 300 ngàn km, bên đăng kiểm người ta trả lời đã hết hạn sử dụng. Còn chi phí cho xe công nằm trong chi phí quyết toán chung của các đơn vị, giờ bóc tách riêng chi phí xe công phải mất cả tháng.

PV: Tức là tại thời điểm này phía Sở Tài chính không nắm được số liệu cụ thể Đà Nẵng có bao nhiêu xe công, chi phí cho xe công mỗi năm thế nào?

Ông Lê Bá Dũng: Đúng vậy.

PV: Thưa ông, nếu không có báo cáo từ các địa phương thì cơ sở nào để Bộ Tài chính công bố cụ thể số lượng xe công và chi phí hằng năm dành cho xe công?

Ông Lê Bá Dũng: Tôi nghe cũng hơi giật mình về con số đó (40 ngàn xe công cả nước, chi phí mỗi năm 12,8 ngàn tỷ đồng- PV). Thực sự chưa bao giờ Bộ yêu cầu Sở Tài chính báo cáo về việc này. Còn Bộ thống kê thế nào cho ra con số đó cũng không biết được.

PV: Xin ông cho biết, từ khi Đà Nẵng có Trung tâm hành chính tập trung, ý tưởng đưa xe công các sở, ngành về một mối quản lý để tiết kiệm như của Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh được triển khai thế nào?

Ông Lê Bá Dũng: Đúng là trước kia bác Thanh có ý như thế. Tháng 8-2014, 26 sở, ngành đã vào Trung tâm hành chính, bước đầu ổn định về cơ sở vật chất. Tới cuối năm 2014, UBND TP Đà Nẵng có đề cập đến việc lập đội xe công, giao cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất. Nhưng cái khó bây giờ đẻ ra đội xe thì tên nó là gì? Đơn vị sự nghiệp công lập? Doanh nghiệp công ích? Hay đơn thuần chỉ là đội xe làm công việc bố trí xe? Nhiều ý kiến nâng lên đặt xuống về việc có lập đội xe không. Không khéo đẻ ra chưa hẳn đã tiết kiệm. Bởi vì công việc tưởng đơn giản này, nhưng khi đã lập một đơn vị rồi, phải giải quyết căn cơ hai vấn đề, nhân sự và cơ chế tài chính cho đơn vị đó hoạt động. Họp nhiều nhưng chưa thống nhất, cuối cùng TP đã tạm dừng, giao cho Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu. Và việc quản lý xe công vẫn như cũ (như trước khi vào Trung tâm hành chính- PV).

PV: Vậy đến nay Sở Tài chính đã nghiên cứu ra phương án tối ưu chưa thưa ông?

Ông Lê Bá Dũng: Theo Quyết định 32 của Thủ tướng về xe công, có đề cập tới hình thức quản lý xe công. Theo đó, việc dồn về một đầu mối hay vẫn giao cho các sở, ngành quản lý như cũ, tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi địa phương. Hiện tại TP cũng đang giao cho Sở Tài chính nghiên cứu phương án cụ thể để đưa ra giải pháp quản lý xe công hiệu quả. Song song với đó nghiên cứu xây dựng mức khoán để trả kinh phí xe công cho chức danh tương ứng. Chẳng hạn với chức danh đó, được chi trả số tiền sử dụng xe công nhất định, nếu không có xe công để đáp ứng, sẽ chuyển tiền để thuê xe bên ngoài. Để làm được việc đó, chúng tôi cần xin ý kiến các sở, ngành và 7 quận, huyện.

PV: Theo quan điểm của ông, việc tập trung xe công về một mối để quản lý hay để các sở ngành quản lý như cũ sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn?

Ông Lê Bá Dũng: Mỗi phương án đều có lợi ích riêng. Nếu giao cho từng đơn vị thì việc điều hành xe sẽ chủ động, nhanh, kịp thời hơn. Trong khi giao cho một đơn vị sự nghiệp (qui về một mối) khi có nhu cầu sử dụng xe phải đề nghị, đăng ký, phải thông qua người phân phối, điều tiết, không khéo sẽ đến lúc dẫn tới quan liêu, người Việt Nam mình dễ lắm. Mặt khác, nếu đã là đơn vị sự nghiệp thì phải có cơ chế tài chính. Không lẽ, đẻ ra một bộ phận chỉ để làm việc điều phối xe, lại cũng thêm cồng kềnh, lãng phí. Rồi nữa, nếu là đơn vị sự nghiệp, công ích thì phải cho họ làm dịch vụ, cho cơ chế tự chủ, để nuôi bộ máy. Mà với đơn vị này thì làm dịch vụ gì? Cho thuê xe, để khai thác hết công suất, để tạo kinh phí. Mà mỗi xe trên dưới cả tỷ bạc, cho thuê thì chẳng mấy chốc phá xe mất. Mà hư hỏng thì vẫn phải bỏ tiền nhà nước ra sửa chữa. Thành thử, phương án nào phải nghiên cứu kỹ, không khéo lợi bất cập hại.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hải Hậu
(thực hiện)