Đà Nẵng: Vận chuyển thịt động vật bằng xe chuyên dụng

Thứ sáu, 10/01/2014 15:25

(Cadn.com.vn) - Người vận chuyển và các tiểu thương buôn bán động vật giết mổ, đặc biệt là thịt lợn tại Đà Nẵng đã cùng chính quyền thành phố thực hiện một bước tiến quan trọng trong văn minh thương mại, góp phần bảo vệ môi trường và giữ gìn ATVSTP.

Đó là thay thế việc mổ gia súc dưới nền xi-măng bằng công nghệ mổ sàn và mổ treo cũng như vận chuyển đi tiêu thụ bằng xe thùng và xe chuyên dụng. Họ gọi cảnh ngày xưa xe máy chở lợn đã giết mổ chạy băng băng giữa phố là “lợn lòi” vì nó lòi ra giữa mắt người ta, rất phản cảm, nhếch nhác và mất vệ sinh. Từ giờ, cảnh này sẽ chấm hết!

Đà Nẵng đang hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động giết mổ.
Trong ảnh: Dây chuyền giết mổ treo tại lò mổ Đà Sơn.

Chở thịt lợn như đi bán... bánh bao

Theo Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 9-4-2012 của UBND TP Đà Nẵng, từ ngày 1-1-2014, tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định.

Trong đó, mọi phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật phải thực hiện bằng xe chuyên dụng, nếu vận chuyển bằng xe máy, xe thô sơ thì sản phẩm phải được đựng trong thùng chứa. Đây tưởng chừng như là một thách thức cho ngành chức năng, nhưng thật không ngờ, chỉ sau một tuần quyết định có hiệu lực, cảnh “lợn lòi” như người ta gọi vui gần như đã không còn.

Thay vào đó, công việc vận chuyển sản phẩm động vật, chủ yếu là thịt lợn đã được thực hiện bằng những chiếc xe chuyên dùng sạch sẽ, kín đáo. Nhiều người thậm chí còn so sánh những chiếc xe này trông giống xe bán bánh bao, bánh mì, bắp rang... vì được trang bị bằng hệ thống thùng inox sáng bóng, gọn gàng, mỗi thùng còn ghi rõ tên của chủ xe.

Trước khi thực hiện Quyết định 15, TP Đà Nẵng đã đi trước một bước là hỗ trợ cho 62 hộ nghèo chuyên vận chuyển thịt lợn từ lò mổ đi tiêu thụ mỗi hộ 2 triệu đồng để đóng thùng chuyên dụng. Với nguồn hỗ trợ này, những người vận chuyển  đã thêm tiền để trang bị cho mình những thùng inox hợp với từng loại xe và khối lượng vận chuyển. Những người không thuộc diện hỗ trợ nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi phương thức chuyên chở cũng đã tự động đóng thùng cho xe.

Từ ngày 1-1-2014, Đà Nẵng cấm kiểu vận chuyển “lợn lòi” này và thay thế bằng xe thùng.

Anh Quyền (trú Q. Thanh Khê), người chuyên chở thịt lợn cho các tiểu thương ở chợ Hàn cho biết: “Khối lượng chở mỗi chuyến có giảm đi nhưng vận chuyển kiểu này vừa vệ sinh lại an toàn. Không còn  cảnh cả con lợn trên xe mà chân quét dưới đường, nước nhỏ tong tong, ruồi nhặng bu bám nữa”.

Theo khảo sát của chúng tôi, những ngày qua, hầu hết lợn đã được giết mổ từ lò mổ Đà Sơn đều được chuyển đến các chợ bằng ô-tô chuyên dụng và xe máy được trang bị thùng kín đáo và sạch sẽ. Vẫn còn lác đác một số người duy trì cảnh “lợn lòi” do họ xuất phát từ các địa điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát. Những người này đều phải đi theo đường “tiểu ngạch” để tránh cơ quan chức năng kiểm tra tại các điểm chốt chặn.

Mới nhìn qua, xe thùng vận chuyển thịt heo trông giống như xe bán bánh bao.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động giết mổ

Ông Trần Tới – Chi cục phó Chi cục Thú y TP Đà Nẵng cho biết, những ngày qua, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan như thanh tra Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển động vật giết mổ trên địa bàn thành phố.

Qua 1 tuần thực hiện hiện Quyết định 15, các hộ giết mổ, chủ phương tiện vận chuyển đã thực hiện nghiêm túc việc vận chuyển bằng xe chuyên dụng hoặc xe máy có thùng chứa theo quy định. “Tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng, hiện mỗi đêm có 21 xe ô-tô và gần 100 xe máy có trang bị thùng vận chuyển các sản phẩm sau giết mổ về các nơi tiêu thụ. Từ ngày triển khai công tác chốt chặn kiểm tra, chúng tôi chưa phát hiện, xử phạt trường hợp nào. Cơ bản những người chuyên vận chuyển lĩnh vực này chấp hành nghiêm túc. Một phần là việc thay đổi này không quá phức tạp, một phần là mức xử phạt rất nghiêm khắc”, ông Tới cho hay.

Từ ngày 1-1-2014, vận chuyển động vật giết mổ bằng xe máy tại Đà Nẵng
phải có thùng chuyên dụng.

Được biết, ngoài việc quy định vận chuyển động vật giết mổ theo phương thức kín, TP Đà Nẵng cũng đang hướng tới việc chuyên nghiệp hóa khâu giết mổ động vật với việc đầu tư công nghệ chuyển từ mổ trên nền xi-măng sang mổ sạp và mổ treo.

Cụ thể, tại lò mổ Đà Sơn, nơi mỗi đêm giết mổ trung bình 1.000 – 1.200 con heo, những ngày Tết lên đến 2.200 con, đã nhập dây chuyền mổ treo từ TPHCM để đảm bảo nhanh gọn và giữ vệ sinh cho sản phẩm giết mổ.

Ngoài ra, theo Công văn số 7562/UBND-KTN của UBND TP Đà Nẵng, kể từ ngày 28-2 tới, 19 điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các địa phương vùng ven cũng sẽ chính thức đóng cửa để chuyển về các điểm giết mổ tập trung. “Với những yêu cầu về vệ sinh thú y, hoạt động giết mổ, vận chuyển của Đà Nẵng đang ngày càng hướng tới chuyên nghiệp. Rất nhiều tỉnh thành đã tham khảo để có thể làm theo, đặc biệt là trang bị xe ô-tô chuyên dụng và xe máy thùng cho hộ nghèo chuyên làm nghề vận chuyển động vật giết mổ”, ông Trần Tới cho biết.

Công Khanh