Đà Nẵng vào cuộc xóa nghèo bền vững
Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, thời gian qua, Đà Nẵng luôn được đánh giá là một trong số những tỉnh thành làm tốt công tác giảm nghèo bền vững. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với ông Thái Đình Hoàng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng xung quanh thành tích ấn tượng này.
Ông Thái Đình Hoàng (bìa phải) cùng lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng thăm, tặng quà cho người có công. |
P.V: Thưa ông! Đà Nẵng là một trong số những địa phương làm rất tốt công tác giảm nghèo bền vững. Để đạt được những kết quả đáng trân trọng đó, được biết thời gian qua, TP đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong những giải pháp đó, theo ông giải pháp nào mang tính đột phá, riêng có của Đà Nẵng?
Ông Thái Đình Hoàng: Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Bên cạnh việc thực hiện chính sách giảm nghèo theo quy định của Trung ương, TP còn ban hành một số chính sách đặc thù, riêng có của Đà Nẵng như: Hỗ trợ xây mới nhà ở lên 50 triệu đồng/nhà; sửa chữa 20 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo, hộ thoát nghèo theo chuẩn TP trong vòng 2 năm; hỗ trợ 90% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo theo chuẩn TP; hỗ trợ 100% các chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ nữ đối với phụ nữ (PN) thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và PN nghèo bị bệnh ung thư; hỗ trợ 80% chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện PN sau khi trừ đi phần chi của BHYT đối với PN thuộc diện hộ nghèo...
Với nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ nêu trên, cuối năm 2018 TP đã hoàn thành đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 (về trước thời gian 2 năm). Năm 2019, HĐND TP thông qua nghị quyết quy định chuẩn nghèo mới (thành thị là mức thu nhập 1.600.000 đồng/người/tháng và nông thôn mức thu nhập 1.300.000 đồng/người/ tháng). Theo chuẩn nghèo mới TP có 14.983 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,53% tổng hộ dân cư (có 11.675 hộ nghèo còn sức lao động và 3.308 hộ nghèo không còn sức lao động).
P.V: Thưa ông! Được biết, sắp tới T.Ư sẽ có sự điều chỉnh, nâng mức chuẩn hộ nghèo lên so với mức chuẩn cũ. Với sự điều chỉnh này, có ý kiến cho rằng, sẽ có nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng chưa bền vững sẽ “tái nghèo” trở lại. Liệu cách hiểu “tái nghèo” trên thực sự đúng nghĩa?
Ông Thái Đình Hoàng: Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến Trung ương và TP sẽ điều chỉnh nâng chuẩn nghèo và ban hành một số chính sách mới liên quan đến hộ nghèo, người nghèo. Đây là điều kiện rất thuận lợi trong việc triển khai thực hiện chính sách “An sinh xã hội” trong chương trình “4 an” của TP. Việc nâng chuẩn nghèo sẽ có một nhóm hộ vừa thoát nghèo của giai đoạn cũ lại “rơi” vào hộ nghèo của giai đoạn mới là điều tất yếu bởi lẽ các hộ này đời sống vẫn còn nhiều khó khăn và thu nhập bình quân không cao hơn nhiều so với mức chuẩn nghèo cũ nên sau khi nâng chuẩn nghèo, họ sẽ thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mới và không được xem là hộ tái nghèo. Trường hợp tái nghèo là hộ trong cùng giai đoạn đã thoát nghèo nhưng do biến cố cuộc sống như: có người mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn... mất nguồn thu nhập ổn định dẫn đến cuộc sống khó khăn và được đánh giá rơi vào hộ nghèo theo chuẩn nghèo cùng giai đoạn.
P.V: Với Đà Nẵng, việc T.Ư nâng mức chuẩn hộ nghèo trong tương lai liệu có ảnh hưởng gì đến Đề án giảm nghèo mà TP đã về đích trước 2 năm so với dự kiến?
Ông Thái Đình Hoàng: Từ năm 2006 đến nay, chuẩn nghèo của TP thường cao hơn chuẩn nghèo của T.Ư; đặc biệt năm 2018, TP hoàn thành mục tiêu Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, đã về đích trước 2 năm so với kế hoạch và tiếp tục triển khai chuẩn nghèo giai đoạn 2019 - 2020. Do đó, việc T.Ư nâng chuẩn hộ nghèo trong tương lai không có ảnh hưởng gì đến Đề án giảm nghèo của TP. Sắp đến, Trung ương dự kiến ban hành chuẩn nghèo mới, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH, TP sẽ triển khai Kế hoạch tổng điều tra rà soát để xem xét nâng mức chuẩn nghèo trong giai đoạn 2021- 2025, có thể cao hơn chuẩn nghèo của T.Ư.
P.V: Trên mặt trận xóa nghèo bền vữngmà TP đã đạt được trong thời gian qua, theo nhìn nhận riêng của ông, dấu ấn lớn của ngành LĐ-TB&XH TP là gì (cả trong công tác chuyên môn lẫn tham mưu)? Điều bản thân ông trăn trở đối với công tác giảm nghèo bền vững của TP hiện nay và trong tương lai là gì?
Ông Thái Đình Hoàng: Trên mặt trận xóa nghèo bền vững mà TP đã đạt được trong thời gian qua, theo nhìn nhận riêng của tôi thì dấu ấn lớn của ngành LĐ-TB&XH TP trong công tác chuyên môn và tham mưu, đó là: Ngành LĐ-TB&XH luôn bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo, từ đó mạnh dạn tham mưu đề xuất các chính sách đặc thù của TP đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện Đề án giảm nghèo trong từng giai đoạn đều nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở.
Điều trăn trở của bản thân đối với công tác giảm nghèo bền vững của TP hiện nay và trong tương lai là: Chính sách giảm nghèo là một trong những trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội cả nước nói chung và TP nói riêng. Vấn đề hộ nghèo, người nghèo luôn tồn tại khách quan và không có điểm kết thúc, chỉ có kết thúc giai đoạn chuẩn nghèo cũ để chuyển qua chuẩn nghèo mới. Vì vậy, việc rà soát xây dựng chuẩn nghèo mới đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP luôn cần nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo ra được thu nhập ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
PHAN THỦY (thực hiện)