Đà Nẵng với triển lãm độc đáo, giàu sáng tạo

Thứ bảy, 24/03/2018 12:27

Theo đánh giá của giới chuyên môn và các họa sĩ có tên tuổi, lần đầu tiên tại Việt Nam có một Triển lãm hết sức độc đáo, giàu sáng tạo và đa dạng sắc màu, đó chính là Triển lãm Mỹ thuật Châu Âu đương đại với chủ đề "Kết nối - Connection" được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vào chiều 24-3.  Triển lãm nhân kỷ niệm 45 năm (1973-2018) thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước khu vực Châu Âu và chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2018).

Họa sĩ Christopher Mcbride và tác giả tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến một quang cảnh sôi nổi, rộn ràng của đông đảo các họa sĩ, cán bộ Bảo tàng đang tất bật chuẩn bị cho Triển lãm. Với nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, họa sĩ người Anh Christopher Mcbride (32 tuổi), công tác tại Dự án Khu Công nghệ Thông tin Đà Nẵng đang treo tranh tâm sự: "... Hơn 2 năm sống, làm việc tại Đà Nẵng, tôi và gia đình ngày càng yêu mến những người dân hiền hòa, giàu lòng nhân ái, gắn bó với thành phố biển xinh đẹp, nơi tập trung đa dạng các nền hóa và có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời.  Là họa sĩ chuyên về Mỹ thuật Công nghiệp, mấy năm qua tôi dành thời gian đi thực tế, tìm hiểu và vẽ rất nhiều chân dung, phong cảnh Đà Nẵng gửi về Anh quốc để giới thiệu với công chúng, bạn bè, người thân biết về mảnh đất tôi đang sống và làm việc. Ngoài những tác phẩm sơn dầu vẽ theo trường phái hiện thực, tôi đã nghiên cứu và áp dụng thành công Công nghệ Kỹ thuật số (CNKTS) vào tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm CNKTS đều được lồng ghép những nội dung cụ thể, có giới thiệu chủ đề, nguồn gốc xuất xứ và diễn biến liên quan đến tác phẩm.  Chẳng hạn tác phẩm "Kim Quy", tôi vẽ cảnh tháp rùa có cụ rùa bơi trên sóng nước, nhưng khi áp dụng CNKTS, người xem bật điện thoại thông minh (các loại như iphone, Samsung, Nokia) của mình lên rồi chiếu vào tác phẩm sẽ thấy cảnh vật chuyển động. Thấy hình ảnh mô tả sự tích Hồ Gươm, cảnh rùa vàng bơi đến thuyền đòi kiếm, cảnh vua Lê Lợi rút kiếm thần trả lại Long Quân sau chiến thắng quân Minh. Hoặc tác phẩm "Chiến tranh thế giới thứ nhất", vẽ những tên lính Đức và đầu lâu, khi áp dụng CNKTS ta sẽ thấy được cảnh toàn những quốc gia trên thế giới bị xâm lược, tàn phá; số người chết và bị thương, quang cảnh trại tập trung và những tội ác của  phát-xít Đức...  Được vinh dự tham gia Triển lãm lần này, tôi và anh em họa sĩ rất xúc động và coi đây là niềm vui, niềm hạnh phúc vô cùng to lớn".

Tác phẩm "Một thoáng Nam Ô"- Tác giả Jean Cabane-Pháp.

Tác phẩm "Toàn cảnh Đà Nẵng" - Tác giả Lara Fernandez- Hà Lan.

Lần theo từng tác phẩm, chúng ta như lạc vào một thế giới tràn ngập những sắc màu đa dạng, phong phú, những tác phẩm đưa người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự đan xen giữa các trường phái hiện thực, siêu thực, trừu tượng và đặc biệt là áp dụng CNKTS hiện đại.   Không chỉ đa dạng về các chất liệu như sơn dầu, bột màu, Acrylic, bút sắt ký họa, phụ điêu đắp màu... 55 tác phẩm Mỹ thuật tham dự của 14 họa sĩ đến từ các quốc gia thuộc khu vực Châu Âu như Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, Na Uy...  còn cho người xem cảm nhận một luồng sinh khí mới với phong cách thể hiện độc đáo. Những tác phẩm đưa công chúng nhớ lại những truyền thuyết lịch sử của dân tộc, đến với những phong cảnh làng quê Quảng Nam- Đà Nẵng, bãi biển Nam Ô- Đà Nẵng (tác giả Jean Cabane- Pháp), phong cảnh Vịnh Hạ Long (tác giả Stephanie Thieullent- Hà Lan), toàn cảnh Đà Nẵng nhìn từ trên cao (tác giả Lara Fernandez- Hà Lan), phong cảnh các TP ở nước ngoài như Amsterdam, TP London (tác giả Jolanda Tromp- Anh)...

Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ-Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, Triển lãm tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam với các nước khu vực Châu Âu và kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng TP Đà Nẵng.  Bảo tàng đã tìm hiểu, tổng hợp danh sách các họa sĩ đã và đang sống, làm việc tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Các họa sĩ đã về nước thì mời gửi tác phẩm, họa sĩ đang ở Quảng Nam -Đà Nẵng thì đến tận nơi thẩm định tác phẩm và mời tham gia. Họa sĩ trẻ nhất là chị Aurora Georges- Na Uy (22 tuổi), họa sĩ lớn tuổi nhất là ông Jean Cabane- Pháp (68 tuổi). Với nội dung phong phú cùng sự đan xen giữa các trường phái hiện thực, siêu thực, trừu tượng và đặc biệt là áp dụng CNKTS hiện đại, hy vọng triển lãm sẽ thu hút đông đảo người xem, nhất là giới trẻ, các sinh viên, học sinh quan tâm đến CNKTS hiện đại. Triển lãm cũng là dịp để các họa sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sáng tác với các họa sĩ nước ngoài, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa TP Đà Nẵng với các nước khu vực Châu Âu.

HIỀN MINH