Đà Nẵng xây dựng TP thực phẩm thông minh: Nhiều thuận lợi, không ít thách thức

Thứ tư, 13/03/2019 12:29

Ngày 12-3, UBND TP Đà Nẵng phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Chiến lược xây dựng TP thực phẩm thông minh cho TP Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030". Đây là hoạt động lấy ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia trong khuôn khổ dự án do Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn của Chính phủ Bỉ (SCF) tài trợ cho Đà Nẵng - nơi được đánh giá là lý tưởng để xây dựng mô hình TP thực phẩm thông minh ở Việt Nam.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra quy trình vận chuyển, kinh doanh thủy sản tại Cảng cá Thọ Quang trong đêm.

Cơ hội cho Đà Nẵng

Theo Tiến sĩ Thái Thị Minh - Giám đốc Khu vực của Tổ chức Rikolto (tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở chính tại Bỉ với nhiều chuyên gia về hệ thống thực phẩm cùng thực hiện dự án): mô hình TP thực phẩm thông minh được hiểu là hệ thống thực phẩm khu vực TP bền vững có khả năng thích ứng, giải quyết thách thức, đảm bảo người dân tiếp cận với thực phẩm an toàn, lành mạnh và chất lượng cao thông qua tăng cường các liên kết bền vững trong chuỗi giá trị, hệ thống mua sắm thực phẩm phải được đổi mới hoặc cải tiến theo hướng thông minh. Với dân số khoảng 1 triệu người cùng nhiều chủ trương, chính sách nổi bật liên quan đến an sinh xã hội, Đà Nẵng là TP lý tưởng để xây dựng mô hình TP thực phẩm thông minh ở Việt Nam. "Chiến lược hoạt động khả thi, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu của các tác nhân trong hệ thống thực phẩm cũng như những nhu cầu về ATTP ở Đà Nẵng là mong đợi và kỳ vọng của chính quyền. Chính vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển TP thực phẩm thông minh là cấp thiết", Tiến sĩ Minh nhấn mạnh. 

Ông Ivo Hoogle - thành viên Hội đồng Quỹ SCF, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam cho biết, dự án liên quan đến lĩnh vực ATTP tại Đà Nẵng là 1 trong 10 dự án phát triển song phương mà Bỉ và Việt Nam đang triển khai. Các đơn vị tham gia sẽ tận dụng những thành tựu trong lĩnh vực an ninh dinh dưỡng của Bỉ kết hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam để mang lại những kết quả cụ thể bước đầu cho Đà Nẵng. Đây cũng là cầu nối để Việt Nam, Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của Bỉ xây dựng chiến lược TP thực phẩm thông minh trong tương lai.

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, UBND TP và các ngành, địa phương đã từng bước nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP.  Là TP du lịch nên thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách là rất cao nhưng nguồn cung tại chỗ hạn chế, phụ thuộc vào các thị trường ngoại tỉnh và cả từ nước ngoài. Chính vì vậy, công tác quản lý ATTP đang đặt ra nhiều thách thức. Dự án lần này sẽ là nền móng cho việc xây dựng chính sách, định hướng quản lý ATTP trên địa bàn TP trong thời gian đến. Ông Chinh cũng đề xuất các đơn vị điều hành dự án phối hợp với chính quyền dành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động truyền thông, thay đổi nhận thức của người dân cả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Vì đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra mối liên kết bền vững trong chuỗi giá trị của thực phẩm.

Còn nhiều thách thức

Dù có nhiều thuận lợi về chủ trương, chính sách nhưng theo Tiến sĩ Minh, điều mà TP còn thiếu chính là cơ sở dữ liệu và thông tin về hệ thống thực phẩm cũng như vai trò của quản lý nhà nước trong chuỗi hoạt động từ nơi sản xuất đến bữa ăn của người dân. Các chuyên gia cũng cho rằng, dù chủ trương, chính sách được ban hành nhưng ở góc độ nào đó sự tham gia của người dân vẫn còn hạn chế; mô hình kinh doanh của chợ truyền thống chưa giải quyết được các vấn đề mấu chốt như kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, ô nhiễm môi trường; kinh phí cho hoạt động kiểm nghiệm còn ít, truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa triệt để. Cạnh đó, vấn đề quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn.

Theo bà Quách Thị Xuân - Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển - Kinh tế xã hội TP Đà Nẵng, để hình thành chuỗi thực phẩm an toàn thì TP rất cần mô hình liên minh hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào chuỗi. Tuy nhiên, đây là câu chuyện rất khó khăn mà Đà Nẵng chưa giải quyết được. Bà Xuân đề xuất chính quyền cần có sự quan tâm về cơ chế chính sách, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng để mô hình liên minh hợp tác xã có thể phát huy được thế mạnh hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm vì "việc này rút ngắn được các quy trình, quản lý được nguồn gốc, thông tin cũng dễ dàng đến với người tiêu dùng. Khi đường đi càng ngắn thì thực phẩm càng an toàn". Cạnh đó, bà Xuân cũng cho rằng với việc nhập phần lớn thực phẩm từ các tỉnh ngoài thì Đà Nẵng cần quyết liệt trong công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, phát hiện xử lý mạnh tay đối với nguồn cung không an toàn. Trong khi đó, quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì nhất thiết phải có những đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đánh giá về mục tiêu của dự án, ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho rằng: "Thông minh phải là một quá trình, không phải cứ nói là làm được. Chúng tôi kỳ vọng việc thực hiện nghiên cứu dự án sẽ là nền tảng cho việc xây dựng chính sách, định hướng quản lý, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm, an toàn thực phẩm làm trọng điểm".

Đông A