Đã vi phạm còn ăn vạ
(Cadn.com.vn) - Sáng 9-4, tổ CSGT do thiếu tá Lê Công Ngọc làm tổ trưởng TTKS trên tuyến QL14 từ TT Nhơn Hòa đến xã Ia Le, CAH Chư Pưh. Thượng úy Trần Xuân Hậu dùng xe máy chở trung sĩ Lê Mạnh Cường; thiếu tá Lê Công Ngọc và thiếu tá Đàm Ngọc Hùng đi ô-tô tuần tra. Đến 8 giờ cùng ngày, tại đoạn đường qua thôn Phú Bình, xã Ia Le, tổ tuần tra phát hiện Phạm Thanh Phúc (1985, trú thôn Phú An, xã Ia Le, H. Chư Pưh, Gia Lai) điều khiển xe máy BKS 81AR-002.11 đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, xe máy không có gương chiếu hậu nên ra hiệu lệnh dừng xe.
Tuy nhiên, Phúc không chấp hành hiệu lệnh mà tắt máy, dừng xe để bên lề đường. Tổ CSGT đến và yêu cầu Phúc ra làm việc nhưng Phúc không chấp hành mà bỏ đi. Khi tổ công tác đưa xe vi phạm qua bên kia đường để tiến hành lập biên bản thì Phúc chạy ra la lối: “Sao lại dắt xe của tôi đi? Tôi đâu có vi phạm lỗi gì mà mấy anh bắt xe?”. Tổ công tác giải thích cho Phúc về việc Phúc không đội mũ bảo hiểm, xe máy không lắp gương chiếu hậu là vi phạm thì Phúc bắt đầu la lối và có hành vi chống đối việc xử lý của tổ công tác. Phúc đẩy các chiến sĩ CSGT và leo lên xe định chạy xe đi, vừa giằng co Phúc vừa la lối rằng CSGT bắt xe khi không có lỗi vi phạm!
Trước thái độ hung hăng và không hợp tác của Phúc, tổ công tác đã yêu cầu Phúc lên ô-tô để đưa phương tiện cùng người điều khiển vi phạm về trụ sở UBND xã Ia Le giải quyết. Khi lực lượng CAX và CSGT yêu cầu vào phòng làm việc viết bản tường trình thì Phúc không chịu còn la lối, thách thức. Dù được tổ CSGT, CAX giải thích và yêu cầu giữ bình tĩnh để giải quyết nhưng Phúc tiếp tục chửi bới. Bất ngờ, Phúc giật cái nanh heo rừng đang đeo trên cổ của mình rồi tự đâm vào đỉnh trán 2-3 cái rồi cào khắp người.
Vì lo sợ Phúc sẽ cầm chiếc nanh tiếp tục đâm vào người gây thêm thương tích và có thể gây nguy hiểm cho lực lượng CA nên thượng úy Hậu đã ôm Phúc lại; đồng thời đề nghị CAX Ia Le cho mượn còng tay để còng Phúc lại với mục đích ngăn chặn hành vi tự gây thương tích cho mình của Phúc và chờ liên hệ mời gia đình Phúc lên làm việc. Mọi người vừa giải thích cho Phúc bình tĩnh vừa tìm băng bông để lau máu cho Phúc. Nhưng được khoảng 2 phút thì Phúc bỏ chạy ra ngoài rồi hô hoán: “Công an đánh dân!”.
Những vết thương trên người Phúc là do đối tượng tự dùng nanh heo đâm, rạch. |
Một lát sau thì gia đình đến, thấy mặt Phúc dính máu và tay bị khóa bằng còng số 8, cho rằng tổ CSGT đánh Phúc nên họ la hét, chửi bới và hô hoán CSGT đánh người gây thương tích. Ngay sau đó, Phúc “mách” với gia đình rằng bị lực lượng CSGT đấm vào cằm, ngực và bị tát vào mặt cũng như giật cổ áo khiến đầu Phúc đập vào tường.
Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo CAH Chư Pưh đã yêu cầu tổ CSGT, CAX viết bản tường trình sự việc, đồng thời tiến hành xác định, điều tra làm rõ. Tuy nhiên, Phúc vẫn có thái độ bất hợp tác với CQĐT. Sau vài lần, Phúc mới “chịu” làm việc, thừa nhận hành vi phạm lỗi của mình: điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, không gương chiếu hậu.
Đồng thời, ngày 15-4, Trung tâm Pháp y tỉnh Gia Lai đã có bản kết luận về các dấu vết trên người Phúc: “Trường hợp của Phạm Thanh Phúc có nhiều vết xước da bao gồm ở đầu vùng trán, từ cổ đến ngực. Về mặt cơ chế hình thành các vết xước da diện dài, nhỏ, nông, nghi nhiều là do vật cứng, nhọn tác động lên”. Bản giám định chỉ rõ: “Nếu là vật tày hoặc lực tay của con người tác động thì tại chỗ sang chấn bị bầm tím diện rộng, nếu là tổn thương ở đầu phải có khối tụ máu dưới da đầu hoặc sưng nề bầm tím diện rộng, các dấu vết sang chấn này sẽ khỏi sau 10 đến 15 ngày điều trị”. Như vậy, những dấu vết để lại trên người Phạm Thanh Phúc là do Phúc tự gây ra nhằm ăn vạ với tổ CSGT khi tổ xử lý vi phạm đối với Phúc.
Thượng tá Nguyễn Bá Cảnh, Phó trưởng CAH Chư Pưh cho biết thêm, qua công tác điều tra khẳng định không có chuyện CSGT đánh Phạm Thanh Phúc tại trụ sở CAX Ia Le như Phúc nói.
Minh Tân