Đặc sắc nhạc cụ đinh tút của người Giẻ Triêng
Cũng như các dân tộc thiểu số khác ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Giẻ Triêng rất yêu thích ca hát và diễn xướng. Trong kho tàng nhạc cụ dân tộc của đồng bào Giẻ Triêng, đinh tút là một loại nhạc cụ đặc sắc, độc đáo…
Trong tiếng Giẻ Triêng, “đinh” nghĩa là ống nứa, “tút” nghĩa là âm thanh hoặc giai điệu. Đinh tút là ống nứa phát ra âm thanh, giai điệu. Đinh tút được người Giẻ Triêng tạo ra rất tình cờ.
Vì quanh năm đi làm nương rẫy ở vùng lộng gió nên vào mùa trỉa rẫy, trong lúc lom khom trỉa hạt giống, đồng bào Giẻ Triêng nghe thấy từ ống lồ ô đựng hạt giống phát ra những âm thanh trầm bổng rất vui.
Âm thanh đó đã tạo ra niềm vui, sự phấn khích lao động sản xuất, từ đó nhạc cụ đinh tút được tạo ra. Ðinh tút của đồng bào Giẻ Triêng được làm từ cây trúc, loại cây mọc rất nhiều ở vùng của người Giẻ Triêng sinh sống.
Nghệ nhân Chơ Rum Nhiế-r (ở thôn Đắc Rích, xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Ðinh tút của người Giẻ Triêng gồm có 6 ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1 và rơn 2. Các ống đinh tút có cấu tạo khá đơn giản, một đầu rỗng để thổi và một đầu có mấu kín. Đầu thổi được khoét vát hai bên tạo thành hình bán nguyệt để khi diễn tấu môi dưới của người thổi ôm khít vào một bên miệng ống…”.
Muốn thổi được đinh tút, nghệ nhân phải có sức khỏe và có kỹ thuật lồng hơi. Khi thổi, nghệ nhân phải nhún nhảy và mô phỏng những động tác của người đang trỉa lúa hoặc nhổ cỏ, gặt lúa… Khi thổi đinh tút cần có 6 người tham gia và mỗi người thổi một ống. Một điều thú vị là người thổi đinh tút phải là đàn ông, và những người đàn ông đó, dù già hay trẻ đều phải đóng giả làm phụ nữ. Những người đàn ông này không được đóng khố mà phải mặc váy của phụ nữ che kín từ cổ xuống chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ thò một tay ra cầm ống đinh tút để thổi.
Âm thanh đinh tút hay hay dở phụ thuộc rất nhiều vào việc chế tạo ra nó, từ khâu chọn trúc, đến việc thẩm âm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay những nghệ nhân, người am hiểu về cách chế tác và sử dụng nhạc cụ đinh tút đều lớn tuổi, chưa có lớp những nghệ nhân trẻ kế thừa nên việc bảo tồn và phát huy giá trị của nhạc cụ này cũng gặp không ít khó khăn.
Có thể nói, từ một quan niệm mang tính lễ nghi nông nghiệp đã hình thành lối diễn tấu nhạc cụ đinh tút rất độc đáo có một không hai của đồng bào Giẻ Triêng. Vào những dịp lễ hội hay mỗi khi tết đến xuân về, tiếng đinh tút luôn ngân lên ở mọi lúc mọi nơi. Tiếng đinh tút bay bổng ngân nga hòa với tiếng vi vu của gió ngàn giữa núi rừng hoang sơ đã in sâu vào tiềm thức và là thông điệp gửi gắm những điều tốt lành của cộng đồng người Giẻ Triêng nơi miền tây xứ Quảng.
Theo Đắk Lắk Điện tử