"Đặc vụ 115" – chuyện chưa kể giữa cuồng phong Nari
(Cadn.com.vn) - Nhiều cháu bé chào đời trong cơn bão số 11 đã được bố mẹ đặt tên Nari đánh dấu giây phút vượt cạn khắc nghiệt. Nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn chưa biết câu chuyện đi trong tâm bão của những người mặc áo blouse trắng. Cả những nhân viên có thâm niên trong chạy xe cấp cứu cũng như đội ngũ y, bác sỹ mới vào nghề của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng đều thừa nhận rằng, chưa bao giờ họ đối mặt với những tình huống sinh tử như trong cuồng phong Nari.
Vừa lao xe ra khỏi Trung tâm, bão đã đánh bật tay lái. Vừa lấy lại thăng bằng, một cây xà cừ lớn ngã đánh rầm ngay trước mũi xe. Cài số lùi để tìm đường khác, thêm một cây nữa bật gốc quật xuống án ngữ phía sau. Giữa tâm bão, chúng tôi đã thoát hiểm một cách kỳ lạ trước khi thực hiện những ca cấp cứu chạy đua với cuồng phong”, bác sỹ Phạm Thị Ánh Hồng- Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng còn sởn da gà khi kể lại “Đặc vụ Nari”.
Chế độ trực của ngày 14-10 dành mọi kịch bản cấp cứu cho tình huống khẩn cấp khi bão Nari dự báo đổ bộ vào tối cùng ngày cho đến sáng hôm sau. Hôm đó, ai cũng mong thất nghiệp! Nhưng rồi những chiếc xe cấp cứu cũng phải chạy mệt nhoài vì những ca tai nạn trong khi người dân chằng chống nhà cửa. Rồi màn đêm buông xuống, khi đội ngũ y bác sỹ, tài xế đã thấm mệt thì mưa gió bắt đầu vần vũ, cuồng phong gào rít. Những hồi chuông điện thoại gấp gáp. “A lô. Chị ơi. Làm ơn! Có phụ nữ chuyển dạ tại K11 Nguyễn Công Trứ. Nhanh giúp!”. Lúc đó là 1 giờ 30 sáng 15-10. Ngay lập tức ê-kíp của điều dưỡng viên Ngô Thị Kim Trinh tại đường Quang Trung nhanh chóng lên xe. Nhưng vừa trườn được mấy vòng thì như vào ma trận cây cối không tài nào thoát ra được.
Cả tính mạng cán bộ cấp cứu cũng nguy hiểm nếu không nhanh chóng ra khỏi xe trở về trung tâm. Ngay tức khắc, phương án điều động Trạm Cấp cứu Ngũ Hành Sơn thực hiện nhiệm vụ được đưa ra cho y sỹ Nguyễn Thị Phương Hoa và tài xế Ngô Diên Anh Tùng. Chị Hoa hỏi anh Tùng với sức gió khủng khiếp như vậy thì có bao nhiêu phần trăm khả năng hoàn thành nhiệm vụ, anh Tùng nói “phải là 100%” và nổ máy lao đi. “Xe bò từng đoạn. Dù cố gắng giữ chân ga thật ổn nhưng có khi bị bão hút đi lại có khi rú mãi không nhích được đoạn nào. Nếu chết máy giữa đường thì sẽ là thảm họa, vừa không ứng cứu được người ta mà mình cũng nguy”, y sỹ Hoa kể lại.
Theo lực lượng y, bác sỹ của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, mỗi cú điện thoại “điệp vụ Nari” là một nhiệm vụ khó khăn. |
Tiếp cận được nhà thai phụ rồi, quãng đường đến bệnh viện Hoàn Mỹ mới là “hành lộ nan”. Sông Hàn gió rít liên hồi, cầu Trần Thị Lý trở nên dài thăm thẳm. Có lúc tay lái của anh Tùng bị bão “tát” liên tục. Còn chị Hoa thì vừa phải chống chọi với những cơn lắc, phải giữ thăng bằng, vừa dùng phép “thắng lợi tinh thần” để “câu giờ” cho thai phụ... Bé Nari chào đời giữa lúc bão vẫn còn giật liên hồi, nhưng ai nấy thở phào hạnh phúc vì qua hoạn nạn. Anh Huỳnh Kim Trí (chồng sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Diệu) không kìm được lòng biết ơn: “Nói thật, sau khi gọi điện cầu cứu, tôi không biết phải làm gì thêm nữa, cuống lên rồi. Không biết mọi chuyện sẽ thế nào nếu xe cấp cứu không đến được. Gia đình tôi ghi ơn các anh chị ở Trung tâm cấp cứu 115”.
Điều dưỡng Lê Thị Kim Cúc, người đã băng mình trong bão Nari để cùng đồng nghiệp giúp chị Võ Thị Bé Hải vượt cạn thành công. |
Ngay trong khi đồng nghệp đang đánh vật với bão dữ trên cầu Trần Thị Lý thì ở trạm Liên Chiểu, y sỹ Hoàng Anh Tuấn, điều dưỡng Lê Thị Kim Cúc và lái xe Lê Kim Chánh cũng tiếp nhận một ca thai phụ chuyển dạ nhưng nan giải hơn nhiều. “Người chuyển dạ là chị Võ Thị Bé Hải thì đang quằn quại một mình trong nhà ở đường Âu Cơ nhưng người báo tin là anh Nguyễn Nho Bình, chồng chị, lúc đó cũng đang trực chiến tại đơn vị công tác là BCH Quân sự thành phố. Giữa bão tố, trời tối như mực, thông tin mà chúng tôi có được chỉ là trên đường Âu Cơ có quán cà-phê Bếp Việt, rồi đi vào kiệt, rẽ trái, có cái nhà màu xanh”, chị Cúc kể lại.
Với từng đó thông tin, cả ba vừa đối phó với bão trên từng đoạn đường vừa đi tìm... quán cà-phê, khi toàn thành phố cúp điện. Nhanh hết mức có thể, khi tìm ra địa chỉ đầu tiên thì trước mắt của họ là cái ngõ sâu hun hút. 3 người quyết định lao nhanh ra giữa màn đêm để đi tìm nhà thai phụ. Rọi đèn pin thấy quá nhiều “nhà màu xanh”, cả ba không biết phải làm thế nào khi mà tiếng gõ cửa vào thời điểm đó hòa vào tiếng gió bão. Điện thoại di động được nối lại với anh Bình lúc đó đang làm nhiệm vụ chống bão ở trung tâm thành phố. Sau những chỉ dẫn rối bời, lúc này anh nảy ra sáng kiến là gọi điện về cho hàng xóm lấy đèn pin ra báo hiệu.
Y sỹ Nguyễn Thị Phương Hoa kể, trên đường cấp cứu về, chị và tài xế Ngô Diên Anh Tùng suýt gặp nạn khi bị bão đánh bạt tay lái ngay trên cầu Trần Thị Lý. |
Cuối cùng thì thai phụ được đưa đến Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu để sinh cháu bé an toàn. “Vợ thì dự sinh sau bão, tôi thì phải chiến đấu tại đơn vị. May mắn gặp được các y, bác sỹ Trung tâm Cấp cứu 115. Thực tình, tôi chẳng biết nói sao nữa”, anh Bình rưng rưng khi nói lời cảm ơn những ân nhân...
Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng có 79 cán bộ, nhân viên, biên chế thành 5 trạm. Người thâm niên thì gần vài chục năm gắn với chiếc xe cấp cứu, ít thì cũng dăm ba năm. Quá nhiều tình huống khẩn cấp đã trải qua, ranh giới sống chết cũng nhiều nhưng chưa ai trong số họ đối mặt với những giây phút khó khăn như “Đặc vụ Nari”. Bão Xangsane hồi 2006 dù khủng khiếp thì cũng diễn ra ban ngày, còn dễ xử lý, chứ cuồng phong đến trong đêm tối như Nari thì những bất trắc khó mà phản ứng kịp.
“Đặc vụ 115” chuẩn bị phương tiện sẵn sàng cấp cứu khi bão Haiyan được dự báo đổ bộ vào Đà Nẵng. |
Tài xế Lê Kim Chánh nói, cầm cái vô lăng của loại xe “í ò” này mà không yêu nghề thì dăm bữa nửa tháng cũng bỏ, yêu nó rồi thì gắn chặt. Còn bác sỹ Phạm Thị Ánh Hồng thì nói yêu thôi chưa đủ, có lúc phải biết chịu đựng, có khi phải nhẫn nhục nữa là đằng khác. Đó là lúc người nhà bệnh nhân đập phá xe, hành hung, nhục mạ mình chỉ vì xe đến hiện trường chậm do ách tắc giao thông hay nhà họ nằm sâu trong khu dân cư. Có lúc bệnh nhân tâm thần nhảy vào bóp cổ, đòi giết. “Mỗi chuyến xe lao đi là một ai đó đang trong cơn nguy kịch. Nhưng cuộc sống vốn vậy nên xã hội mới phân công. Một đứa bé chào đời, một nụ cười hạnh phúc của người mẹ vượt cạn thành công, một trái tim đập lại sau thời khắc im lìm hay một nạn nhân tai nạn giao thông được cứu sống kịp thời... là phần thưởng của chúng tôi, để mỗi người lại lặng thầm, thủy chung với cái nghề “gọi đâu có đó”, chị Hồng tâm sự.
Công Khanh