ĐẠI GIA NƯỚC MẮM XỨ QUẢNG BẤT NGỜ LÂM NỢ:

Đại diện doanh nghiệp yêu cầu làm rõ các khoản vay nghi vấn

Thứ bảy, 24/01/2015 11:05

(Cadn.com.vn) - 10 năm trước, người dân TP Tam Kỳ (Quảng Nam) không ai là không biết đến cơ sở sản xuất nước mắm Việt Tiến. Thế nhưng, từ năm 2009, khi bị Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Quảng Nam kiện ra tòa án cũng là lúc DN  này điêu đứng bất ngờ lâm nợ với số tiền 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Giám đốc cơ sở Việt Tiến Thái Thị Hương, đằng sau số nợ này  có rất nhiều điểm nghi vấn cần được làm rõ.

HỢP ĐỒNG VAY VỐN SAI PHÁP LUẬT?

Theo ông Huỳnh Tây (con trai bà Hương) thì việc làm ăn, vay vốn ngân hàng trước đây của bà Hương ông không hề hay biết. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Vietcombank Quảng Nam kiện cơ sở nước mắm Việt Tiến ra tòa yêu cầu trả số nợ gốc và lãi lên đến 13 tỷ đồng thì ông mới tìm hiểu và phát hiện nhiều điểm sai phạm trong hợp đồng. “Từ năm 2009 đến nay gia đình tôi đã 5 lần bị cưỡng chế tài sản theo quyết định số 58 của TAND tỉnh. Tôi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại xin xem xét lại và dừng thi hành án vẫn không được. Hiện nay mẹ tôi đã 75 tuổi không còn minh mẫn nên tôi muốn thay mẹ tôi làm rõ tất cả những khuất tất trong hợp đồng vay vốn giữa Việt Tiến và ngân hàng Vietcombank Quảng Nam”, ông Tây cho biết.

Theo đơn của ông Tây gửi các cơ quan báo chí thì ngày 24-1-2003 DN Việt Tiến có vay của Ngân hàng Ngoại Thương Tam Kỳ gần 1 tỷ đồng, tài sản thế chấp là ngôi nhà số 49-Phan Châu Trinh, TPTam Kỳ. Sau đó không lâu, DN Việt Tiến đã trả đủ số tiền vay. Hợp đồng thế chấp số 002 này nêu rõ hợp đồng thế chấp này chỉ có giá trị cho hợp đồng vay tín dụng này ngoài ra không có giá trị khi DN muốn vay khoản khác.

Thời gian đó, DN Việt Tiến của bà Hương được Sở TN-MT Quảng Nam hợp đồng cho thuê đất để xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Cụm CN-TTCN Trường Xuân. Thời gian thuê đất là 50 năm và trả tiền thuê theo từng năm. Để có tiền xây dựng nhà máy, bà Hương lai tiếp tục đi vay vốn ngân hàng.

Bà Hương bên vại nước mắm của công ty và giấy ủy quyền của ông Thiện
không có xác nhận địa phương.

Điều ngạc nhiên là, theo quy định của Nhà nước đối với DN khi thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất kinh doanh với thời hạn 50 năm, nhưng trả tiền thuê đất cho Nhà nước hàng năm như DN Việt Tiến thì không được đem quyền sử dụng đất này đi cầm cố thế chấp các ngân hàng để vay vốn (trừ khi thuê đất 50 năm mà trả tiền thuê đất một lần thì được thế chấp đất thuê để vay vốn). Thế nhưng, không hiểu sao Hợp đồng tín dụng số 2700J1/04070/TK năm 2004 giữa Việt Tiến và Ngân hàng Vietcombank Tam Kỳ để vay số tiền 2 tỷ đồng lại ghi tài sản thế chấp là: Quyền sử dụng đất và nhà số 49-Phan Châu Trinh, Quyền sử dụng đất lô A4/2 Cụm Công nghiệp Trường Xuân.

Không chỉ vậy, ngày 27-2-2004, Sở TNMT Quảng Nam mới chính thức lập hợp đồng cho Việt Tiến thuê đất nhưng hợp đồng vay lại có trước đó 4 ngày là ngày 23-2-2004(?). Như vậy, không có đất làm sao vay tiền và nếu có đất thì đất này cũng không được cầm cố vì nó là đất thuê trả tiền theo từng năm. Thêm nữa tài sản thế chấp còn có ngôi nhà 49-Phan Châu Trinh, ngôi nhà này là tài sản thế chấp trong hợp đồng 002 đã kết thúc từ trước. Nếu muốn đưa vào vay vốn mới thì phải tiến hành định giá tài sản và lập một hợp đồng khác không thể dùng khoản này bù qua khoản kia được. Ông Tây bức xúc: “Hợp đồng này rõ ràng là có vấn đề nhưng tại sao ngân hàng vẫn ký. Chúng tôi nợ bao nhiêu chúng tôi sẽ trả đúng như vậy nhưng những tài sản này rõ ràng không đem đi cầm cố được tại sao lại có trong hợp đồng và nếu có chẳng nhẽ phía ngân hàng lại không biết? Bây giờ đột nhiên dùng những hợp đồng này để đi cưỡng chế tài sản là không hợp lý”.

Doanh nhiệp Việt Tiến bị cưỡng chế tài sản.

NHIỀU ĐIỂM NGHI VẤN?

Về phía DN Việt Tiến, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Huỳnh Thiện cũng là người thừa kế tài sản ngôi nhà 49-Phan Châu Trinh. Theo quyết định số 58 của TAND tỉnh thì ông Thiện có giấy ủy quyền cho bà Hương đại diện phiên hòa giải tại tòa. Tuy nhiên, ngay sau đó gia đình bà phát hiện chữ ký ủy quyền không phải của ông Thiện và cũng không hề có xác nhận của UBND xã, phường. Thời gian đó ông Thiện đau nặng và cũng mất trong năm 2009.

Cũng tại phiên tòa, TAND tỉnh Quảng Nam buộc Việt Tiến trả cho Ngân hàng Vietcombank số tiền nợ gốc và lãi của 16 hợp đồng vay là hơn 8 tỷ đồng. 16 hợp đồng vay này theo ngân hàng là những hợp đồng con từ hợp đồng vay vốn năm 2004. Tuy nhiên, thấy số tiền quá lớn so với khoản vay thực tế nên Việt Tiến yêu cầu công khai số công nợ, giấy tờ liên quan tới 16 hợp đồng này thì bị ngân hàng từ chối.

“Sự việc chưa ngã ngũ nhưng mới đây ngân hàng tiếp tục gửi công văn yêu cầu gia đình tôi trả tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng trong đó số lãi phát sinh từ năm 2009 đến nay là 4,9 tỷ đồng. Tôi muốn hỏi căn cứ vào đâu mà ngân hàng đưa ra con số này khi hợp đồng mập mờ như vậy?”, ông Tây thắc mắc.

Trao đổi với PV, ông Tây cho biết hiện nay cục Thi hành án tỉnh Quảng Nam đã cưỡng chế lô đất tại KCN Trường Xuân. Hiện tại, ông Tây đang hoàn tất thủ tục hồ sơ trình lên các cấp chính quyền yêu cầu làm rõ sự việc.

PV