Đại học Đà Nẵng chốt phương án tuyển sinh năm 2020
Trước ảnh hưởng cùng những diễn biến bất thường do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thay cho kỳ thi THPT Quốc gia do Bộ GD-ĐT trình lên. Các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ trong công tác tuyển sinh. Trên cơ sở sự thay đổi này, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có cuộc họp bàn với các trường thành viên để chốt lại phương án tuyển sinh năm 2020. Theo đó, năm 2020, ĐHĐN không tổ chức kỳ thi riêng.
Thí sinh Đà Nẵng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: P.T |
4 phương thức tuyển sinh
TS Trần Đình Khôi Quốc - Trưởng Ban Đào tạo ĐHĐN- cho biết, trên cơ sở họp bàn với các trường thành viên chiều 22-4, ĐHĐN chốt lại phương án tuyển sinh với 4 phương thức tuyển sinh sau:
Phương thức 1, xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và theo đề án tuyển sinh của từng trường thành viên thuộc ĐHĐN. Phương thức hai, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHĐN phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM. Phương thức thứ ba, xét tuyển dựa trên học bạ THPT. Phương thức 4 xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. So với 4 phương thức tuyển sinh đã ban hành, 3 phương thức đầu cơ bản giữ nguyên, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ. Cụ thể, đối với phương thức xét tuyển thẳng, các trường sẽ nghiên cứu để có sự điều chỉnh, mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng. Ở phương thức ba, có sự điều chỉnh trong cách tính điểm kết quả từ điểm học bạ của 5 học kỳ (từ lớp 10 đến HK1 của lớp 12) theo tổ hợp môn xét tuyển từng ngành.
Riêng phương thức 4 có nhiều thay đổi nhất, với hai hình thức xét tuyển: Các trường có thể dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (thay cho phương thức cũ là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia) hoặc kết hợp giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả điểm học bạ của các môn học theo tổ hợp môn xét tuyển. Ngoài ra, một số ngành đặc thù như Kiến trúc, GD mầm non, SP âm nhạc,.. sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu. Cũng theo TS Trần Đình Khôi Quốc, nhiệm vụ tiếp theo của các trường là tùy theo đặc điểm của trường mình và của từng ngành để quyết định chọn phương thức nào trong 4 phương thức trên, đồng thời cân đối lại tỷ lệ % chỉ tiêu phân bố của các phương thức xét tuyển để trình ĐHĐN thẩm định. Sau khi có Quy chế tuyển sinh năm 2020 của Bộ GD-ĐT, ĐHĐN cùng các trường tiếp tục có thông báo quy chế xét tuyển cụ thể cho thí sinh.
Vì sao ĐH Đà Nẵng không tổ chức kỳ thi riêng?
Trả lời câu hỏi này, TS Trần Đình Khôi Quốc cho biết, trên cơ sở phân tích, cân nhắc, ĐHĐN đã quyết định không tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2020.
Nguyên nhân là nhằm không gây xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý cho thí sinh, tránh tốn kém cho gia đình, xã hội. Mặt khác, cũng là để đảm bảo sự an toàn chung, bởi diễn biến đại dịch Covid-19 tại Việt Nam dù có dấu hiệu khả quan, nhưng trên thế giới vẫn còn phức tạp khó lường. Với khoảng thời gian dành cho công tác chuẩn bị quá ngắn sẽ rất cập rập nếu tổ chức một kỳ thi riêng và khó đảm bảo được chất lượng... Ngoài ra, cũng theo ông Trần Đình Khôi Quốc, ĐHĐN hoàn toàn tự tin để tổ chức kỳ thi riêng nhưng không phải là trong năm 2020.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐHĐN, sẽ có ít trường tổ chức thi riêng trong năm nay bởi thời gian chuẩn bị, nhất là khâu ra đề thi riêng quá cập rập. Theo ông, phần lớn các trường (trong đó có ĐHBK) sẽ xác định tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu để tuyển từ các nguồn: học bạ, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, kỳ thi năng lực do các ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức, xét tuyển thẳng. Trong trường hợp nếu tổ chức kỳ thi riêng, PGS.TS Đoàn Quang Vinh đồng quan điểm với PGS.TS Lê Thành Bắc- Phó Giám đốc ĐHĐN và TS Trần Đình Khôi Quốc rằng, nếu Bộ cung cấp đề thi chung, các trường thống nhất tổ chức thi cùng một thời điểm thì sẽ rất tốt và chắc chắn sẽ có nhiều trường theo phương án này.
Cũng theo PGS.TS Quang Vinh, việc các trường ĐH tự lo khâu ra đề thi sẽ không thể hay bằng đề do Bộ ra. Ngoài ra, nếu các trường tự ra đề thi và trường nào dùng kết quả của trường đó thì thí sinh phải di chuyển nhiều lần đến các trường để thi, vừa tốn kém vừa không đảm bảo an toàn. Trong trường hợp các trường tổ chức cùng một ngày thi thì thí sinh sẽ mất cơ hội được thi nhiều trường. "Nếu Bộ giao cho một Trung tâm khảo thí đủ mạnh cung cấp đề thi, đồng thời định ngày thi để các trường tổ chức thi theo cụm trường thì sẽ rất ổn. Thí sinh có thể dùng kết quả thi này để tham gia xét tuyển vào các trường khác trong cùng nhóm nếu không đỗ vào nguyện vọng 1 trường đã đăng ký. Theo tôi, Bộ cần có chiến lược xây dựng 1 Trung tâm khảo thí đủ tiềm lực để làm việc này"- ông Đoàn Quang Vinh bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến những thay đổi trong mùa tuyển sinh năm 2020, ông Nguyễn Quang Hưng- Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh- cho rằng, việc quay trở lại tổ chức kỳ thi THPT chỉ với mục đích xét tốt nghiệp phù hợp với Luật GD, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, đồng thời cũng phù hợp với bối cảnh về tình hình dịch bệnh. Điều ông lấn cấn là công tác tuyển sinh của các trường ĐH như thế nào? Nếu xét tuyển dựa trên kết quả học bạ, kết quả điểm thi THPT và kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐHQG tổ chức thì ông yên tâm. Nhưng nếu các trường ĐH trên cơ sở Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh mà tổ chức kỳ thi riêng, đặc biệt là các trường ở tốp trên thì ông lo lắng cho HS.
Phan Thủy