Đại học Đà Nẵng tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường thành viên
Tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: cách tiếp cận đề thi tới đây sẽ không phục vụ mục tiêu kỳ thi "2 trong 1", mà mục đích chính là phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy-học THPT. Ngay sau đó, dư luận cả nước xôn xao khi được biết một số trường ĐH dự kiến phương án tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đại học (ĐH). Liên quan đến vấn đề Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) có tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển vào các trường thành viên trong năm tới hay không, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng. |
P.V: Thưa ông! Dư luận Đà Nẵng đang rất quan tâm, liệu ĐH Đà Nẵng có tổ chức kỳ thi riêng như một số trường ĐH trong cả nước đang "rục rịch" lên phương án hay không?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: Cho đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được bất cứ chỉ đạo chính thức nào của Bộ GD-ĐT về chủ trương trên. Quan điểm của ĐHĐN là tiếp tục sử dụng kết quả của Kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHĐN như những năm vừa qua. Đồng thời ĐHĐN cũng tích cực, chủ động chuẩn bị phương án thi riêng để áp dụng sau năm 2020 hoặc trong trường hợp Bộ có sự thay đổi về mục tiêu của Kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cũng như phần lớn lãnh đạo các trường ĐH thành viên là rất mong muốn Bộ tiếp tục duy trì ổn định Kỳ thi THPT Quốc gia làm căn cứ để các trường ĐH xét tuyển cho đến năm 2020 như đã công bố với xã hội nhằm tạo tâm lý ổn định, lòng tin, sự yên tâm cho phụ huynh, thầy cô và học sinh trong việc dạy-học. Thí sinh thi năm nay đã có sự chuẩn bị từ 3 năm trước. Đặc biệt, theo lộ trình mà Bộ đã công bố thì năm 2019 này kiến thức thi sẽ bao gồm cả chương trình 3 năm THPT. Phương thức tổ chức kỳ thi qua nhiều năm đổi mới đã hoàn thiện và xã hội cơ bản cũng đã chấp nhận, đánh giá khá ổn. Một số khâu còn bất cập thì tiếp tục điều chỉnh. Đó chỉ là những lỗi kỹ thuật hoặc chỉ là tiêu cực, sai phạm xảy ra ở vài địa phương chứ không phải lỗi do bản chất kỳ thi. Hơn nữa, để các trường có thể tổ chức kỳ thi riêng thì cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo vì đây là việc rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội. Đối với những ĐH lớn như ĐHĐN với lực lượng cán bộ mạnh thì việc tổ chức kỳ thi riêng không có vấn đề gì, nhưng với phần lớn các trường ĐH nhỏ, việc tổ chức kỳ thi riêng có chất lượng, nghiêm túc, rõ ràng không hề đơn giản.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Giám đốc ĐH Đà Nẵng- phát biểu ý kiến tại buổi lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD Đại học do Đoàn ĐBQH TP tổ chức. Ảnh: P.T |
P.V: Điều dư luận đang quan ngại, bức xúc nhất hiện nay là sự bất nhất, không có lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng trong đổi mới giáo dục, nhất là trong thi cử. Quan điểm của ông về vấn đề thi cử hiện nay như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: Quan điểm của tôi, đổi mới là cần thiết, là sự đòi hỏi tất yếu của cuộc sống như Nghị quyết 29 đã nêu. Tuy nhiên, đổi mới phải được thực hiện theo lộ trình rõ ràng, kiên định để đạt được mục tiêu đã đề ra. Bộ GD-ĐT đã chọn đổi mới thi, tuyển sinh để tác động đến cách dạy, cách học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi thấy chủ trương như vậy là đúng đắn. Vì trên thực tế, sự dạy-học ở nước ta hiện nay chủ yếu chỉ nhắm vào kỳ thi để dạy- học. Điều này có nhiều nguyên nhân cần được nhìn nhận khách quan từ nhiều phía. Tuy nhiên, dù là vì nguyên nhân gì đi chăng nữa thì tâm lý đó cần được thay đổi nhưng không thể trong một sớm một chiều. Bốn năm qua chúng ta đã tổ chức rất tốt kỳ thi THPT Quốc gia. Sau mỗi năm chúng ta đều có tổng kết đánh giá. Tuy có những bất cập này, bất cập khác nhưng ai cũng thừa nhận kỳ thi năm sau tốt hơn năm trước, những bất cập của năm trước thì năm sau không xảy ra. Xã hội đã thở phào nhẹ nhõm khi từ nhiều đợt thi những năm trước đây giờ chỉ còn một đợt thi duy nhất. Từ những thành công đó, theo tôi, chúng ta nên tiếp tục duy trì theo lộ trình Bộ đã công bố. Nhân đây cũng cần nhắc lại một điều rằng, kỳ thi "3 chung" trước đây đã phải trải qua 13 năm kinh nghiệm mới thấy yên tâm. Điều đó cho thấy, đổi mới thi cử không hề dễ dàng. Thế nên không thể "đẽo cày giữa đường" khi thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh được.
Từ sự cố xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình..., điều mà xã hội đang quan tâm hiện nay là tiêu cực trong khâu chấm thi... Tôi cho rằng, sai phạm, tiêu cực xảy ra ở 3 địa phương trên đúng là nghiêm trọng nhưng chỉ là hiện tượng cá biệt của một vài địa phương, chứ không phải là lỗi do bản chất kỳ thi. Mặt khác, không thể và không nên đánh đồng, quy chụp cho tất cả, khi ở hầu hết các địa phương khác đã hết sức nỗ lực phối hợp trong việc tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, minh bạch. Điều này là không công bằng, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương khác. Theo tôi, năm nay chúng ta có thể khắc phục bất cập này bằng 2 cách. Cách thứ nhất là quét (scan) và lưu bài làm gốc trắc nghiệm của thí sinh ngay khi giám thị đến nộp bài tại điểm thi như nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đề xuất. Cách thứ hai là giao cho Trường ĐH phối hợp tổ chức thi thực hiện khâu chấm thi và tăng cường thanh tra, giám sát như cách đã làm năm 2015, 2016.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
P.THỦY (thực hiện)