Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Đề xuất nhiều giải pháp bảo đảm an ninh - trật tự

Thứ bảy, 23/01/2016 09:06

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục làm việc tại Hội trường để thảo luận các văn kiện Đại hội XII. Tại đây, các đại biểu đã trình bày tham luận đóng góp ý kiến về nhiều lĩnh vực để phát triển đất nước, trong đó, vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia – giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (gọi tắt là an ninh, trật tự - ANTT) được các đại biểu Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đề cập một cách sâu sắc.

Đại tướng Trần Đại Quang                                    Đại tướng Ngô Xuân Lịch

Đổi mới toàn diện công tác Công an, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT đất nước

Với tiêu đề “Đổi mới toàn diện công tác Công an đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”, tham luận tại phiên thảo luận Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ ANTT, lực lượng Công an nhân dân nguyện ra sức phát huy truyền thống vẻ vang, những thành tựu công tác Công an đạt được trong 30 năm đổi mới, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, sử dụng đồng bộ các biện pháp để bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; tập trung thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, sau đây:

Thứ nhất, tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, làm cơ sở, định hướng để tiếp tục đổi mới toàn diện công tác Công an. Trong đó, phải thấm nhuần và cụ thể hóa các quan điểm cơ bản: Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, kết hợp với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, đối ngoại và kinh tế, đối ngoại với quốc phòng, an ninh; kết hợp giữa phòng ngừa và đấu tranh, trong đó lấy phòng ngừa là chính.

Thứ hai, nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, nhận diện sớm các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh, trật tự và triển khai có hiệu quả đường lối đối nội, đối ngoại của đất nước. Tiếp tục đổi mới các biện pháp phòng ngừa, đối sách đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành, công khai tổ chức chính trị đối lập trong nội địa; tập trung bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện trọng đại của đất nước; vô hiệu hóa hoạt động của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, bạo loạn.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kịp thời triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không để phát sinh các tụ điểm phức tạp mới; kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, không để tội phạm gia tăng, không để tội phạm lộng hành. Đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không để lọt tội phạm, không để oan, sai. Chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, huy động sức mạnh tổng hợp, thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong và bên ngoài biên giới quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chăm lo củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, Bảo vệ dân phố. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình trong việc động viên, thu hút các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội, cảm hóa, giáo dục người phạm tội, người mắc tệ nạn xã hội, người mãn hạn tù, đặc xá, thanh thiếu niên hư tại gia đình và cộng đồng dân cư, tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm ngay từ địa bàn cơ sở, góp phần xây dựng xã hội an toàn, kỷ cương, lành mạnh, chấp hành pháp luật, không còn bất an trong nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dạ bất bế hộ, lộ bất thập di” (Ban đêm không cần đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi).

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn kết chặt chẽ với tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng cải tiến quy trình bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tập trung quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là đối với các ngành nghề nhạy cảm, không để hình thành các tụ điểm tệ nạn về ma túy, cờ bạc, mại dâm. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống thiên tai.

Thứ năm, đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, phát triển đồng bộ, toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó công tác xây dựng Đảng là then chốt; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; công tác tổ chức cán bộ là khâu đột phá; tổng kết thực tiễn và đúc kết lý luận là nhiệm vụ quan trọng. Chuyển mạnh từ tư duy hậu cần phục vụ sang hậu cần chủ động bảo đảm. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, phát triển công nghiệp an ninh, huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Chủ động nghiên cứu, sản xuất thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với tính chất công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

"Giữ nước từ lúc nước chưa nguy"

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Cùng với đó là những diễn biến mới phức tạp ở Biển Đông. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương, Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, thành tựu bao trùm và quan trọng nhất của Quân đội và toàn quân trong những năm qua chính là quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nắm vững và dự báo đúng tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, chủ động phối hợp với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước và quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.

“Dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quy luật tồn tại và phát triển đất nước. Xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ trong thời bình là kế sách “giữ nước từ lúc nước chưa nguy”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, trước yêu cầu mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, theo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, việc tăng cường quốc phòng, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là yêu cầu đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu trong việc xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Công Khanh