Đẩy mạnh cải cách thể chế

Thứ bảy, 23/01/2016 08:03
Đồng chí Trương Tấn Sang điều hành phiên họp chiều 21-1. Ảnh: TTXVN

(Cadn.com.vn) -  Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày tham luận về vấn đề "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng". Đồng chí khẳng định, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nội dung lớn và quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta. Qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XI, quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng được phát triển, ngày càng hoàn thiện. Để kinh tế thị trường định hướng XHCN đi vào cuộc sống, vấn đề mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và chịu tác động sâu sắc, nhiều chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội. Để phát triển thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết, hết sức quan trọng, trong đó cần rà soát lại mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta cho phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời gian tới.

 Tham luận về "Các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh từ thực tiễn TP Hồ Chí Minh" đã được đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP  Hồ Chí Minh trình bày trước Đại hội. Tham luận khẳng định, hoàn thiện thể chế là nội dung cốt lõi nhất để thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng. Quá trình hoàn thiện thể chế cần tạo đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công; quy định minh bạch ba cơ chế về phân quyền, phân cấp và ủy quyền cho địa phương; đồng thời tạo cơ chế để tăng cường hiệu lực kiểm tra, thanh tra của Chính phủ đối với chính quyền địa phương. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tập trung hơn nữa vào 3 nhiệm vụ là: hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra, giám sát, chế tài vi phạm. Đối với các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. Mong muốn Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn trong chủ trương rất đúng đắn là chuyển nền hành chính mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ, dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Tham luận "Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia" của đồng chí Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một đại chiến lược của đất nước, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thể hiện trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương có chủ trương đầu tư xây dựng, hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển. Về lâu dài cần đầu tư xây dựng đường cao tốc dọc bờ biển để phục vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng; có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 Tham luận với chủ đề "Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề xuất, kiến nghị cụ thể về hội nhập kinh tế quốc tế cho giai đoạn tới. Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới cần có chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng trong từng giai đoạn về hội nhập quốc tế, sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quản lý thống nhất của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mức độ cam kết và tự do hóa thương mại ngày càng cao hơn; cần có sự thống nhất mục tiêu hội nhập từ trung ương đến địa phương. Tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm.

 Tham luận về chủ đề “Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh thời gian tới, nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn đó đòi hỏi phải xử lý mâu thuẫn giữa yêu cầu về mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường; giải quyết mâu thuẫn giữa đòi hỏi rất cao về mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với sự đầu tư nguồn lực có hạn của Nhà nước, trong bối cảnh đời sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, điều kiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn rất khó khăn. Theo Bộ trưởng, cần xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển, để đảm bảo duy trì, bảo vệ được các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời xác lập, bổ sung những giá trị mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển của xã hội đương đại; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, địa phương và nhân loại, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công.

Thu Thủy – TTXVN