Đại hội đồng IPU-132: Thông qua Nghị quyết về chủ quyền quốc gia và quyền con người
(Cadn.com.vn) - Ngày 30-3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền đã họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 (tháng 10-2014); hoàn chỉnh và thông qua Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.
Tại phiên họp lần này, như đã quyết định tại Đại hội đồng IPU-131, Ủy ban sẽ tiếp tục công việc của mình thông qua Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”. Dựa trên những nội dung đã được thống nhất, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, trong việc tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người dân, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào giữa các chủng tộc, sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay trạng thái khác... Tầm quan trọng của các khuôn khổ pháp lý quốc tế hiện hành về quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đặc biệt là Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện tại về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật bà Sumitra Mahajan, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ đang dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Ấn Độ sang thăm Việt Nam và dự họp IPU – 132. |
Đại diện đoàn Việt Nam tham dự phiên họp, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết: Các đại biểu đã đồng thuận biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người” ở cấp Ủy ban và sẽ trình lên Đại hội đồng.
Đây là nghị quyết quan trọng thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong quá trình thảo luận tại kỳ Đại hội đồng lần trước. Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải tương quan, tương thích trong chủ quyền quốc gia; không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Thực chất luật pháp quốc tế cũng nhằm bảo vệ quyền con người. Bởi vậy, Việt Nam hoan nghênh Liên minh Nghị viện Thế giới thông qua nghị quyết quan trọng này và hy vọng sau khi được thông qua, nghị quyết về chủ quyền quốc gia và quyền con người sẽ được các nước chú trọng thực hiện một cách nghiêm túc và tuân thủ một cách nhất quán.
Cũng tại Phiên thảo luận chung chiều 30-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu về Tổng quan chính sách đối ngoại Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Vì vậy, xây dựng một nền hòa bình bền vững dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của tất cả các dân tộc. Mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam là hòa bình, hợp tác và phát triển.
Trong tiến trình chủ động hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì phồn vinh của mỗi dân tộc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hòa hiếu, hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực, kiên trì phấn đấu cùng các nước trong cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng dựa trên chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp lâu dài, thỏa đáng cho các thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo. Đặc biệt, các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước vừa và nhỏ, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực.
Về phần mình, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực.
Cùng ngày, Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế tiếp tục thảo luận, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”.
Thu Thủy – TTXVN