Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78: Thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ tư, 20/09/2023 08:12
Khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng LHQ vừa chính thức khai mạc đầu tuần này (giờ Mỹ) tại New York (Mỹ). Những vấn đề liên quan xung đột Nga - Ukraine vẫn sẽ là tâm điểm của khóa họp này. Bên cạnh đó, các cuộc khủng hoảng chính trị mới tại châu Phi, những thách thức chung của nhiều nước như kinh tế bất ổn, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên tai gần đây, và cả hệ lụy dai dẳng chưa dứt của đại dịch COVID-19 cũng là những vấn đề được quan tâm.
Hội nghị Thượng đỉnh SDG đang diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Ảnh: LHQ
Hội nghị Thượng đỉnh SDG đang diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Ảnh: LHQ

Những vấn đề chính đáng lưu ý

Đối với các nước đang phát triển, ưu tiên hàng đầu tại cuộc họp kéo dài 2 ngày của LHQ là kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để đạt được 17 mục tiêu toàn cầu trên phạm vi rộng vào năm 2030. Cùng với đó, các cuộc họp cấp cao về những vấn đề bao gồm phòng chống đại dịch và chăm sóc sức khỏe toàn cầu cũng đang diễn ra tại LHQ.

Đại sứ Thụy Sĩ tại LHQ Pascale Baeriswyl cho biết, hội nghị thượng đỉnh về 17 mục tiêu của Liên hợp quốc là sự kiện quan trọng nhất trong tuần này ngoài các cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại rằng với quá nhiều cuộc khủng hoảng, khó có thể thu hút đủ sự quan tâm và ý chí chính trị để tìm ra giải pháp.

Trong khi đó,Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ nhằmtìm kiếm sự ủng hộ liên quan đến cuộc xung đột với Nga nổ ra từ tháng 2 năm ngoái. Tổng thống Ukraine cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo có quan điểm khác biệt, như Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ngày 20-9, ông Zelensky sẽ tham gia một phiên họp đặc biệt về Ukraine tại Hội đồng Bảo an LHQ. Nhà lãnh đạo Ukraine có kế hoạch gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng như Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Một số cuộc gặp đáng lưu ý trong khuôn khổ sự kiện này gồm có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Nhà lãnh đạo Iran tới LHQ ngay khi Tehran và Washington hoàn tất việc trao đổi 5 tù nhân mỗi bên, sau khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ phong tỏa 6 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ của Iran vốn đang bị đóng băng ở Hàn Quốc.

"Giải cứu" Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG)

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh SDG, diễn ra bên lề Khóa họp Đại hội đồng LHQ hôm 19-9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thực hiện kế hoạch toàn cầu nhằm "giải cứu" Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Tổng thư ký Guterres cho biết đến nay, mới chỉ có 15% các mục tiêu đang được thực hiện đúng lộ trình trong khi còn nhiều mục tiêu khác bị đảo ngược. Theo nhà lãnh đạo LHQ, nguy cơ mà thế giới đang đối mặt là "bỏ các mục tiêu SDG lại phía sau", chứ không chỉ để lại ai ở phía sau, do đó, cần có kế hoạch toàn cầu giải cứu SDG. Ông kêu gọi các hành động nhằm giảm tỷ lệ người nghèo đói, thúc đẩy chuyển đổi nhanh hơn nữa sang năng lượng tái tạo, lan tỏa các lợi ích và cơ hội từ quá trình số hóa, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, công tác thiện nguyện và bảo trợ xã hội, cũng như thúc đẩy các hành động khí hậu.

Người đứng đầu LHQ lưu ý cách đây 8 năm, các thành viên LHQ đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới luẩn quẩn trong vòng quay nghèo đói, thất học, dịch bệnh, xung đột, tâm lý mất niềm tin vào cuộc sống và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Do đó, các mục tiêu phát triển bền vững không đơn thuần là một bản danh sách mà chứa đựng nhiều hy vọng, hoài bão, quyền lợi và kỳ vọng của nhiều người dân trên thế giới, cung cấp lộ trình đảm bảo nhất để họ có thể làm đúng những nghĩa vụ được nêu trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948. Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh điều này có thể đạt được nếu thế giới cùng nhau hành động ngay từ bây giờ, để giữ trọn lời hứa với hàng tỷ người dân trên thế giới đã đặt hy vọng, ước mơ và tương lai của họ trong tay của những người lãnh đạo.

Đáp lại lời kêu gọi trên, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã tái khẳng định cam kết thực hiện SDG thông qua tuyên bố chung nhấn mạnh nội dung triển khai hiệu quả chương trình nghị sự 2030 và các SDG, đồng thời tôn trọng mọi nguyên tắc đi kèm. Tuyên bố chung có đoạn nêu rõ Chương trình nghị sự 2030 vẫn là lộ trình bao quát được các nước bám sát để thực hiện các SDG và vượt qua các cuộc khủng hoảng. Các nước sẽ hành động khẩn trương để hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra trong kế hoạch vì con người, Trái Đất, thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, không để lại ai phía sau. Các lãnh đạo nhấn mạnh xóa đói là mục tiêu toàn cầu khó thực hiện nhất và phát triển bền vững là điều kiện không thể thiếu.

Tuyên bố chung cũng có đoạn thừa nhận thế giới đã đi được hơn nửa lộ trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 nhưng hầu hết các mục tiêu đều đang tiến bộ quá chậm hoặc thụt lùi so với vạch xuất phát vào năm 2015. Hiện nay, thế giới đang đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, những tiến bộ về phát triển bền vững đạt được trong nhiều năm bị xóa bỏ, hàng triệu người lại rơi vào cảnh nghèo đói, tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cao hơn và những tác động của biến đổi khí hậu cũng trầm trọng hơn. Điều này đã dẫn tới tình trạng bất bình đẳng gia tăng và diễn biến theo chiều hướng xấu đi trong bối cảnh đoàn kết quốc tế suy yếu, thiếu lòng tin để cùng vượt qua khủng hoảng. Do đó, các nhà lãnh đạo đã cam kết hành động "mạnh mẽ, tham vọng, tiến bộ, công bằng và sáng tạo" trong sự đoàn kết quốc tế và hợp tác hiệu quả ở mọi cấp độ và cam kết thúc đẩy quá trình chuyển đổi một cách có hệ thống sang một thế giới toàn diện, công bằng, hòa bình, ổn định và bền vững hơn vì con người và Trái Đất, vì các thế hệ ngày nay và tương lai.

Các nhà lãnh đạo cùng thể hiện quyết tâm từ nay đến năm 2030 sẽ chấm dứt tình trạng nghèo đói, đấu tranh chống bất bình đẳng ở mỗi nước và giữa các nước, xây dựng những xã hội hòa bình, toàn diện và bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, đạt mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, duy trì bảo vệ Trái Đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh phát triển bền vững cần song hành với hòa bình và ổn định, cam kết thúc đẩy các mối quan hệ đối tác toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương vì phát triển bền vững, tìm kiếm các giải pháp hòa bình và công bằng cho các tranh chấp và tôn trọng luật pháp quốc tế, mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ.

Tuyên bố chung sẽ được đưa lên Đại hội đồng LHQ thông qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự họp và phát biểu tại hội nghị của LHQ

Theo TTXVN, trong khuôn khổ chương trình công tác dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 ĐHĐ LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ; dự và phát biểu tại các Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị cấp cao của LHQ về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch… Cũng dịp này, Thủ tướng sẽ có các cuộc gặp song phương với Tổng Thư ký LHQ; Chủ tịch Khóa 78 ĐHĐ LHQ và lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế khác. Ngoài các cuộc họp của LHQ, Thủ tướng cũng có chương trình hoạt động song phương tại Mỹ với các cuộc gặp phó tổng thống Mỹ, lãnh đạo Quốc hội Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và một số thành viên nội các Mỹ…

B.T (Theo TTXVN)