Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất Mẹ trong vòng tay lớn

Thứ hai, 14/10/2013 01:13

* Cử hành trọng thể Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

* 90 triệu vòng tay, 90 triệu trái tim...

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-10, cả nước như nín lặng để dõi theo hành trình trở về đất Mẹ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Thủ đô Hà Nội đến quê hương Quảng Bình. Vượt qua nỗi đau của lẽ sinh tử kiếp người, cuộc trở về của Đại tướng đã kết nối bền chặt hơn vòng tay lớn, vòng tay dân tộc Việt Nam.

 

 

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sáng 13-10, Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5-Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Từ sáng sớm, tại khu vực Nhà Tang lễ quốc gia, đông đảo cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã có mặt dự Lễ truy điệu, tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thay mặt BCH T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương, quân và dân cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Lễ tang, đọc Lời điếu. Tổng Bí thư xúc động: “Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã vĩnh biệt chúng ta. Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân đội ta và gia quyến Đồng chí”.

Hàng vạn CBCS, nhân dân đến Vũng Chùa tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước, trong đó có Anh, đã trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng Bí thư xúc động nói: “Thưa Anh Văn! Anh ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến to lớn của Anh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế”.

Rước linh cữu Đại tướng qua Quảng trường Ba Đình – Hà Nội. Ảnh: Lại Quang Tân

Đại tướng đi trong  lòng dân

Đúng 7 giờ 30 phút, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được di chuyển lên cỗ linh xa. Lễ chuyển linh cữu Đại tướng được cử hành theo nghi thức trang trọng nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, với đội danh dự đại diện cho ba Quân chủng: Hải quân, Lục quân và Không quân. Đúng 7 giờ 40, đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu chuyển bánh. Giữa đoàn xe tiêu binh, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phủ Quốc kỳ và đặt trân trọng trên cỗ xe trọng pháo. Xe tang lăn bánh trong tình cảm lưu luyến, ngập tràn xúc động của hàng vạn đồng bào, đồng chí Thủ đô và các tỉnh, thành đứng chật bên các tuyến đường Trần Thánh Tông - Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu - Trần Phú - Lê Trực - Sơn Tây - Kim Mã - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - sân bay Quốc tế Nội Bài. Bao trái tim nghẹn ngào tiễn biệt vị “Đại tướng của nhân dân”, người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, một thiên tài quân sự, đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Biển người đón Đại tướng ở quê nhà

Cùng ngày, Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành tại quê nhà Quảng Bình theo nghi thức Quốc tang. Ngay từ sáng sớm, hai bên đường dẫn vào sân bay Đồng Hới, hàng vạn người con Quảng Bình đã có mặt để chờ đợi linh cữu của Đại tướng về với đất Mẹ. Bất chấp nắng nóng, người người đứng xếp hàng dằng dặc ven đường chờ đón linh cữu Đại tướng.

Đúng 11 giờ 50, máy bay ATR72 chở linh cữu Đại tướng đã đáp xuống sân bay Đồng Hới, Đại tướng đã về với đất Mẹ Quảng Bình. Trên quảng đường từ sân bay Đồng Hới ra Vũng Chùa (thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch) khoảng 70 km, lớp lớp người dân đứng hai bên đường để chào tiễn biệt vị anh hùng dân tộc, người Đại tướng huyền thoại trở về với miền cát trắng. Ngay tại TT Lý Hòa (H.Bố Trạch), một chi tộc họ Võ ở Lý Hòa tề tựu đông đủ lập bàn thờ Đại tướng ngay bên đường. Ông Võ Thế- tộc trưởng, nghẹn ngào: “Chúng tôi thức trắng đêm hôm qua, đếm ngược từng phút giây cho đến sáng để được nhìn thấy đoàn linh cữu Đại tướng đi qua. Chúng tôi tiễn biệt Đại tướng lần cuối”.

Từ sáng sớm dòng người từ mọi miền Tổ quốc đã đổ dồn về Vũng Chùa. Bước tiếp bước, hàng nối hàng,  bất chấp cả trưa nắng gắt, hàng vạn người ai cũng mong muốn được thắp cho Đại tướng một nén nhang, để tri ân một con người vĩ đại. Cứ thế, họ lặng lẽ nối gót nhau cùng hướng về Vũng Chùa- nơi yên nghỉ của Đại tướng. Ở Vũng Chùa, giờ đây người xa lạ cũng trở thành người thân quen, ai cũng với một tâm trạng bồi hồi xúc động, ngóng chờ. Dòng người cứ lặng lẽ đi, ai nấy đều chìm trong nỗi buồn vô hạn. Vũng Chùa, khi đoàn xe tang lễ dừng lại, hàng vạn con tim đang ngóng chờ bỗng vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn. Người ôm di ảnh, người cầm nhang vái lạy ra biển lớn, người vái lạy lên non cao rồi gọi tên Đại tướng...

Có mặt tại Vũng Chùa từ sáng sớm, hai vợ chồng ông Hà Duy Lượng (1941) và Nguyễn Hồng Dệt (1943) lặn lội từ xã miền núi Sơn Lộc, H.Bố Trạch về đây chờ đón linh cữu Đại tướng. Ông Lượng cho biết, vợ chồng ông từng là bộ đội cụ Hồ. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vợ chồng ông xem Đại tướng là thần tượng. Trong thời gian ông và vợ tại ngũ, Đại tướng là động lực để vợ chồng ông chiến đấu với kẻ thù. Trong thời bình, tấm gương sáng ngời đạo đức của Người là bài học để ông bà dạy dỗ con cháu. Bà Dệt cho biết, dù ốm đau hơn 3 tháng qua, bà vẫn gắng gượng để đi tiễn biệt Đại tướng lần cuối. Với ông bà: “Chỉ cần nhìn thấy Đại tướng được đất mẹ ôm ấp là chúng tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Trên sườn núi Rồng, lớp lớp người dõi mắt ngóng chờ, liên tục gọi điện hỏi đoàn xe tang lễ đã đi tới đâu rồi... Bỏ mặc mọi ồn ào xung quanh, một đại gia đình gồm 9 người từ Hà Tĩnh vào, đang quây quần bên “mâm cơm” bằng lá rừng, với hai món là cơm nắm với cá khô. Anh Hồ Kinh Thư (1976, trú TT Kỳ Anh) nói: “Mâm cơm này được chuẩn bị từ 3 giờ sáng. Trong lúc chờ Đại tướng về, cả nhà tranh thủ ăn nhanh chứ không biết lễ tới khi nào mới xong”. Vừa dứt lời, cũng là lúc mọi người chỉ tay về phía dưới, xa xa đoàn xe tang lễ đang lên. “Mâm cơm” nhanh chóng được vợ anh Thư bọc lại, cho vào túi.

Linh cữu Đại tướng được đoàn nghi lễ đưa lên khu mộ với 103 bậc đá. Mỗi bậc là tượng trưng cho mỗi mùa xuân của Đại Tướng. Mỗi bước chân là triệu triệu tiếng nấc nghẹn lòng...

 

90 triệu vòng tay, 90 triệu trái tim…

Ngày 13-10, từ khắp mọi miền Tổ quốc và nhiều nơi trên thế giới, như thể tất cả cùng dõi theo từng chặng trên hành trình trở về của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; và cho đến khi những nghi thức cuối cùng kết thúc, mọi người vẫn sững sờ bởi ý niệm Đại tướng đã ra đi. 90 triệu vòng tay người dân Việt Nam đã nối lại với nhau, 90 triệu trái tim của người dân Việt Nam đã cùng chung nhịp đập, tạo thành vòng tay lớn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về với đất mẹ - cuộc trở về vĩ đại của một con người vĩ đại.

Kể từ tang lễ Bác Hồ cách đây 44 năm, Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự kiện lay động tâm can của toàn dân tộc và cộng đồng nhân loại. Từ mọi phương trời, mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội cùng ngợi ca Đại tướng với những lời đẹp nhất. Nhưng điều quan trọng nhất, lớn lao hơn cả, cuộc trở về của Đại tướng đã kết nối toàn dân tộc, một lần nữa, khơi gợi trong trái tim mỗi con người những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, mà sự biểu đạt của nó bằng thái độ, hình ảnh chỉ có thể cảm nhận chứ không ngôn từ nào diễn đạt hết.

Đại tướng đã về với đất Mẹ dưới chân dãy Hoành Sơn, là điểm đầu tiên của “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” mà khi xưa Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến. Cảnh trời mây biển cả mênh mông khoáng đạt; và, hơn tất thảy, Đại tướng đã nằm yên nghỉ trong sự chăm nom của đồng bào chân chất thật thà đến vô vàn của những người dân Quảng Bình quê hương ông. Như vậy, chẳng phải đất trời với lòng người hòa hợp, chẳng phải là sự toàn vẹn để cho, nói dân dã, là mồ yên mả đẹp đó sao? Với một kiếp con người, âu đó cũng nghĩa lớn.

Nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhìn từ phía biển.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã làm tất cả những gì trang trọng, ý nghĩa nhất để tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng tự thân mỗi con người chắc rằng như thế vẫn còn chưa đủ, chưa thể nào đủ đối với tầm vóc cũng như cống hiến của Đại tướng với lịch sử dân tộc Việt Nam – âu đó cũng là “khoảng trống” để muôn đời sau tiếp tục phấn đấu, tiếp tục dâng lên Đại tướng những hoa thơm trái ngọt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đà Nẵng:

Trong 2 ngày 12 và 13 - 10, cùng với cả nước, hàng chục ngàn người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đến các điểm viếng ở Hội Cựu chiến binh, Quân khu 5, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và BCHQS TP và các  cơ quan quân sự quận, huyện để thắp nhang tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp - anh hùng dân tộc, người con kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Tại điểm viếng Hội Cựu chiến binh, đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, đồng chí Văn Hữu Chiến – Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Huỳnh Nghĩa – Phó Chủ tịch HĐND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, cùng các sở ban ngành đã cùng dự lễ truy điệu và thắp nén tâm nhang tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

TPHCM:

Cùng với Hà Nội và Quảng Bình, sáng 13-10, tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, Lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã được cử hành trọng thể. Theo Ban tổ chức Lễ viếng và truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, trong ngày tổ chức Lễ viếng Đại tướng, ngày 12-10, đã có hơn 80.000 lượt người dân vào viếng. Bên cạnh đó, tại các điểm tổ chức viếng Đại tướng ở Bộ Tư lệnh Thành phố, các quận, huyện và tại Nhà văn hóa Thanh Niên đã có hơn 40.000 lượt người đến viếng Đại tướng. Đặc biệt, tại Hội trường Thống Nhất, Lễ viếng diễn ra tới gần 2 giờ sáng ngày 13-10.

Tân Trào “Thủ đô kháng chiến”:

Tại nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ ngày 21-5 đến ngày 16-8-1945, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đồng bào các dân tộc trong H. Sơn Dương đã lập bàn thờ Đại tướng đặt tại nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào - gần gốc đa Tân Trào lịch sử , để đồng bào và du khách các nơi đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.

Hà Giang:

Tại Quảng trường 26-3 TP Hà Giang - nơi Bác Hồ đã lên thăm và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang năm 1961, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, hàng trăm học sinh các dân tộc thiểu số trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang và thanh niên các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đã nghiêng mình trước di ảnh của Đại tướng và cùng thắp lên 103 ngọn nến tri ân.

Nguyễn Lê – Xuân Sơn – Quang Tân – TTXVN

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH XÚC ĐỘNG TRONG LỄ AN TÁNG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
 

Dòng tộc họ Võ tại Lý Hòa (H.Bố Trạch) lập bàn thờ Đại tướng bên QL1A.
Người dân chờ Đại tướng trở về đất Mẹ.
Từ sáng 13-10, hàng vạn người dân đã chờ đón Đại tướng trước cổng Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình.
Đón linh cữu Đại tướng trên đường vào nơi an táng.
Những CBCS phục vụ Lễ an táng không vào tận nơi yên nghỉ của Đại tướng, nên cắm hoa dọc đường vào nơi an táng.