Đăk Glei - vùng biên khoác màu áo mới
Từ Đà Nẵng, chúng tôi vượt qua những cung đèo Lò Xo hiểm trở đến với các trường học trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei (tỉnh Kon Tum). Vùng đất nghèo khó Đăk Glei năm xưa nay đã khoác trên mình một diện mạo mới...
Những ngôi trường khang trang góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng biên giới Đăk Glei. |
Sức sống mới
Nằm ở phía bắc của tỉnh Kon Tum, Đăk Glei là huyện miền núi, vùng cao, đất dốc, đồng thời là cửa ngõ của cực bắc Tây Nguyên; phía bắc giáp H. Phước Sơn (Quảng Nam); phía tây có đường biên giới dài 130 km giáp với nước bạn Lào; phía nam giáp H. Ngọc Hồi và phía đông giáp H. Đăk Tô. Toàn huyện có 12 xã thì có đến 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90% dân số. Hệ thống cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì đáng kể, bởi vậy mỗi khi nhắc đến Đăk Glei người ta thường nghĩ đến cảnh không đường, không điện của một huyện nghèo khó ở vị trí ngõ cụt tỉnh Kon Tum.
Thế mà, sau gần 10 năm trở lại vùng đất biên giới xa xôi này, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi huyện biên giới Đăk Glei khoác trên mình một diện mạo mới. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và tuyến đường Hồ Chí Minh đã biến Đăk Glei trở thành khu vực khởi đầu của hội nhập, điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến thương mại quốc tế Việt Nam - Lào - Thái Lan, mở ra vận hội mới để Đăk Glei vươn lên, thoát cảnh đói, nghèo. Kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, vì thế đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng lên đáng kể.
Cô Nguyễn Thị Thương - Phó Trưởng phòng GD-ĐT H. Đăk Glei, chia sẻ: Bây giờ người dân các xã trên địa bàn huyện đã dần dần từ bỏ tập quán du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Nhà nhà đã biết tạo dựng cuộc sống định cư tập trung làm kinh tế theo sự định hướng của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Cuộc sống người dân đang ngày một khởi sắc, hiển hiện trên những bản làng xanh mướt lúa, ngô, trên những vườn cây trĩu quả, những đàn gia súc ngày một nhiều. Nhờ sự thay đổi trong cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng như thói quen lao động sản xuất mà đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Nhưng có lẽ, những bước phát triển trong lĩnh vực GD-ĐT có ý nghĩa hơn cả. Bởi những bước chuyển biến, thay đổi nhỏ nhất của ngành GD-ĐT trên mảnh đất nghèo khó này đều xứng đáng được ghi nhận.
Chia sẻ về những bước phát triển của ngành GD-ĐT địa phương, thầy Lê Hải Lâm - Trưởng phòng GD-ĐT H. Đăk Glei, phấn khởi nói: "Cũng như nhiều huyện miền núi, biên giới khác trong cả nước, với địa hình hiểm trở lại bị sông núi chia cắt nên sự nghiệp phát triển giáo dục nơi đây gặp phải vô vàn khó khăn. Bởi vậy, thật không sai khi lại dùng hình ảnh "cõng chữ lên non" để diễn tả nỗi vất vả, nhọc nhằn, vừa thể hiện phẩm chất cao đẹp của những giáo viên công tác tại vùng núi xã biên giới này. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành GD-ĐT, cũng như tạo điều kiện giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ rất kịp thời. Nhất là trong lĩnh vực GD-ĐT, nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện, rồi chương trình SEQAP hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh, Nghị định 116… đã tạo nên một làn gió mới cho giáo dục vùng khó. Chính vì vậy, con em đồng bào dân tộc ngày càng chuyên tâm học tập, người dân có điều kiện quan tâm đến chuyện học hành hơn, đội ngũ giáo viên cũng đỡ vất vả hơn trong việc vận động học sinh đến trường để tập trung thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Và điều đáng vui mừng hơn cả là người dân đồng bào dân tộc thiểu số giảm bớt được gánh nặng "cơm áo, gạo tiền" cho con em đi học, chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.
Niềm vui của học sinh huyện biên giới Đăk Glei khi được thụ hưởng môi trường học tập tốt. |
Khát vọng ngày mới
Bước sang một giai đoạn phát triển mới, ngành GD-ĐT H. Đăk Glei nhận thức rõ: Sự nghiệp GD-ĐT địa phương đến thời điểm này không chỉ dừng lại ở việc phát triển về số lượng, mà cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Bước vào giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Đăk Glei đang tập trung nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cũng như tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng kiên cố, hiện đại.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục địa phương bằng những giải pháp hết sức căn cơ, hiệu quả, thầy Lê Hải Lâm cho biết: Trong thời gian đến, với những chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, ngành GD-ĐT Đăk Glei sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Rà soát, điều chỉnh và tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và tích cực hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện rà soát, quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; áp dụng mô hình trường học mới phù hợp với điều kiện của địa phương; đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện tốt đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Thực hiện sắp xếp lại nội dung dạy học để khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực; đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; tiếp tục triển khai mô hình trường học mới cấp THCS với những điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tiễn.
Chặng đường phát triển GD-ĐT phía trước của huyện biên giới Đăk Glei vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách, song với chuyển biến đầy tích cực thời gian qua mang đến những kỳ vọng về sự đổi thay hơn nữa.
KHẢI MINH