Đắk Lắk quyết liệt ngăn chặn tình trạng học sinh tự chế pháo nổ dịp Tết

Thứ sáu, 05/01/2024 10:25
Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk liên tục ghi nhận nhiều trường hợp học sinh (HS) tự chế tạo pháo nổ. Tại địa phương này đã có trường hợp HS tử vong hoặc mang thương tật suốt đời do pháo nổ. Trước thực trạng đáng quan ngại này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có những chỉ đạo quyết liệt.
Pháo do 6 học sinh tự chế được Công an xã Ea Uy, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) kịp thời phát hiện, thu giữ.
Pháo do 6 học sinh tự chế được Công an xã Ea Uy, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) kịp thời phát hiện, thu giữ.

Hiểm họa khôn lường

Cuối tháng 12- 2023, tại huyện Krông Pắk, Công an huyện phát hiện 6 học sinh Tiểu học và THCS trên địa bàn xã Ea Uy góp tiền đặt mua hóa chất trên mạng rồi cùng nhau chế tạo pháo nổ đốt dịp Tết Nguyên đán sắp tới và bán lại cho các bạn cùng trường. Kiểm tra nơi ở của 6 học sinh, Công an thu giữ 3,5kg hóa chất và 56 viên pháo tự chế.

Tương tự, tại huyện Krông Ana, Công an xã Ea Na phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy (Công an huyện) phát hiện một HS trường THCS Nguyễn Trãi sử dụng điện thoại đặt mua các chất hóa học trên mạng, rồi đem trộn theo tỷ lệ tạo thành hợp chất dùng làm thuốc pháo và bán cho 8 HS khác cùng trường. Các em tự quấn giấy thành pháo và đem đốt gây tiếng nổ. Qua kiểm tra, lực lượng Công an thu giữ 1,1 kg tiền chất dùng để chế tạo thuốc pháo.

Trước đó, tại huyện Krông Ana, cuối tháng 12-2022, một nhóm HS tự chế pháo nổ tại nhà, dẫn đến hai em tử vong, hai em khác bị thương nặng.

Theo Thiếu tá Hồ Minh Nam - Trưởng Công an xã Ea Na, việc trẻ tự ý mua hóa chất sau đó trộn với nhau, nhồi giấy để tạo thành pháo có thể dẫn đến ma sát, tạo nhiệt sẽ gây nổ. Các hóa chất tự chế thuốc pháo có sức công phá lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tự chế pháo và những người xung quanh. Cũng theo Thiếu tá Hồ Minh Nam, thời điểm này đang vào mùa thu hoạch cà-phê, một số phụ huynh lo làm kinh tế đôi khi không quan tâm, sát sao tới con em mình. Trẻ em vì tò mò lên mạng tìm hiểu, tự chế tạo pháo đốt.

Quyết liệt ngăn chặn

Để ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, HS, giáo viên, công nhân viên chức trên toàn địa bàn. Đặc biệt tổ chức cho các đơn vị, nhất là cửa hàng tạp hóa, một số điểm có khả năng mua, bán các loại pháo và người dân trên địa bàn cam kết không sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép pháo dịp Tết Nguyên đán. Cùng đó là đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, áp dụng biện pháp xác minh, khi phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana Hoàng Thị Cúc Hoa, trước những sự việc đau lòng trên, Phòng triển khai văn bản chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn; phối hợp lực lượng Công an tổ chức cho cơ sở giáo dục, HS và phụ huynh ký cam kết không sản xuất, tàng trữ, mua bán pháo nổ. Để phòng, chống hiệu quả việc tự ý chế tạo pháo nổ, Phòng yêu cầu các trường tăng cường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ HS trong tuyên truyền về tác hại của pháo, quản lý chặt chẽ, không để con em tự chế pháo nổ. "Lứa tuổi HS THCS rất tò mò, hiếu động, muốn thể hiện mình nên một số em đã tự ý chế tạo pháo. Các em chưa hình dung được hậu quả xảy ra. Các cơ quan chức năng liên quan cần quan tâm vấn đề kiểm soát việc mua, bán hóa chất, đăng video hướng dẫn chế tạo trên trang mạng xã hội. Khi đó, sự phối hợp giữa ngành GD-ĐT, các địa phương làm công tác này mới đạt hiệu quả"- bà Hoàng Thị Cúc Hoa mong muốn.

Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng tự chế pháo nổ trong HS các trường học, đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk Lưu Tiến Quang đã ký, ban hành công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường quản lý HS, nắm tình hình trường hợp tự chế tạo pháo nổ, đang tàng trữ các loại hóa chất chế tạo pháo. Các trường phối hợp lực lượng Công an vận động, thu hồi, xử lý. Các đơn vị cần phối hợp, cung cấp thông tin đến lực lượng Công an cơ sở để hướng dẫn, thực hiện việc vận động, thu gom hóa chất, công cụ sử dụng vào mục đích tự chế tạo pháo nổ. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu không triển khai, thực hiện tốt biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, dẫn đến xảy ra vụ việc tai nạn của HS trường mình liên quan đến pháo sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn thực hiện các biện pháp phòng, chống việc tự chế pháo nổ trong HS các trường học. UBND tỉnh yêu cầu, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở phối hợp với các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền nhằm cảnh báo, gắn với vận động thu hồi, thu gom các loại pháo nổ, hóa chất, công cụ sử dụng vào mục đích chế tạo pháo. Đặc biệt, tập trung điều tra làm rõ vụ, việc, đối tượng liên quan, kết luận nguyên nhân vụ nổ nghiêm trọng xảy ra do tự chế pháo thời gian qua theo quy định pháp luật… Đặc biệt, tại các địa bàn trọng điểm xảy ra tai nạn về pháo (các huyện Ea Kar, Krông Ana, Krông Pắk, thành phố Buôn Ma Thuột), Chủ tịch UBND huyện, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quá trình thực hiện, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh nếu không triển khai quyết liệt, hiệu quả biện pháp, để xảy ra vụ tai nạn tương tự.

N.Dung - B.T