Đắk Nông: Chuyển biến tích cực sau 15 ngày tăng cường xuống tận buôn làng xử lý nghiêm vi phạm TTATGT
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các địa bàn, tuyến đường huyện, đường tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh huy động các lực lượng Cảnh sát khác thành lập 8 tổ công tác thực hiện các chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự ATGT tại Công an các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian 02 tháng (từ ngày 20/5/2023 - ngày 20/7/2023).
Mỗi tổ công tác được thành lập có từ 7 đến 8 cán bộ chiến sĩ gồm (CSGT, Cảnh sát cơ động và Công an các huyện, thành phố), giao 01 đồng chí cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh làm tổ trưởng, các lực lượng khác làm thành viên chịu sự chỉ đạo của đồng chí tổ trưởng. Mục đích của việc thành lập các tổ công tác nhằm huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của lực lượng CSGT và Công an cấp huyện, thành phố phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự ATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT, nhất là các tuyến đường liên xã, liên huyện, liên tỉnh, đặc biệt là khu vực tập trung các mỏ khai thác khoáng sản, cát đá trên địa bàn.
Đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý gồm: người điều khiển xe ô tô con, xe ô tô tải chở khoáng sản, vật liệu xây dựng, xe kinh doanh vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách tuyến cố định, hợp đồng), xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) ... Hành vi xử lý chủ yếu là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn và ma túy, vi phạm tốc độ, xe quá tải, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, xe tự chế, xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, xe chở khách đi không đúng tuyến quy định, chở quá số người quy định, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để buôn bán, họp chợ...
Để triển khai có hiệu quả đợt cao điểm này, các Tổ công tác thường xuyên thay đổi thời gian kiểm tra, nội dung kiểm tra phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, luân phiên cán bộ làm tổ trưởng không phải là người địa phương, với phương châm thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm trật tự ATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm được kết hợp giữa tuần tra lưu động và kiểm tra cố định, bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn công tác. Quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã sử dụng camera được trang cấp để ghi lại toàn bộ hoạt động trong ca tuần tra, các hành vi không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua 15 ngày triển khai tăng cường, các Tổ công tác của Công an tỉnh đã xuống tận thôn, buôn, ngõ, xóm, các đường liên tỉnh, huyện, xã phát hiện lập biên bản 370 trường hợp vi phạm, tạm giữ 115 phương tiện, trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn 96 trường hợp, vi phạm tốc độ 77 trường hợp, xe chở hàng quá tải trọng 62 trường hợp, xe hết niên hạn, kiểm định 22 trường hợp, đậu đỗ sai quy định 30 trường hợp, không có giấy phép lái xe 44 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 36 trường hợp... với tổng số tiền nộp kho bạc Nhà nước trên 1,4 tỷ đồng. Nhờ việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đến tận các thôn buôn, bon, ngõ xóm mà trong 15 ngày qua tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và làm giảm cả 3 tiêu chí, đặc biệt là tại các địa bàn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp về trật tự an toàn giao thông như (Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song) đã không để xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng...
Việc triển khai tổ công tác xuống tận cơ sở, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm với phương châm “không có vùng cấm” đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của đông đảo cán bộ và Nhân dân, làm thay đổi thói quen “đi ngang về tắt” của một bộ phận người dân ở vùng sâu vùng xa, góp phần xây dựng văn hóa giao thông ngay ở cơ sở, tất cả vì sự bình yên trên những cung đường./.
Hồng Long-Phương Thanh