Đảm bảo an ninh, an toàn, an dân trước đại dịch COVID-19

Thứ bảy, 08/05/2021 07:52

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Mục tiêu cao nhất lúc này là tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ sức khỏe cho người dân, cộng đồng, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép; có các kịch bản nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...”-  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và lãnh đạo các ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch, diễn ra vào chiều 7-5. 

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống COVID-19. Tại điểm cầu trực tuyến Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đồng chủ trì.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trực tuyến tại Đà Nẵng.

2 khuynh hướng cần tránh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, trong khu vực, đặc biệt là tại các nước láng giềng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thế nhưng, ở trong nước, đến giờ này, nước ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tại một số địa phương đã ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong nhiều nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng có một nguyên nhân rất cơ bản, đó là sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của nhiều địa phương, kể cả người dân, nhất là trong dịp nghỉ lễ kéo dài.

Thủ tướng đề nghị các địa phương phải tránh 2 khuynh hướng. Thứ nhất là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thứ hai là hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh. “Trong lúc này, tôi đề nghị phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thông minh, sáng suốt; đánh giá và nắm chắc tình hình, lựa chọn phương án để xử lý phù hợp để đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa ổn định tình hình, vừa chống dịch và khắc phục hậu quả tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao các lực lượng nòng cốt, xung kích trong phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị, BCĐ quốc gia và các địa phương phải quyết  liệt hơn nữa để hạn chế tối đa các ca nhiễm trong cộng đồng, tránh để rơi vào tình trạng phải công bố là “nước có dịch” (10 ca nhiễm/1 triệu dân – P.V). 

Để làm được việc này, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trên tinh thần các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành thời gian qua. Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, cách thức tổ chức, quản lý của các cấp chính quyền và đặc biệt là huy động sự vào cuộc của nhân dân. 

Trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, Thủ tướng  nêu rõ: tinh thần là phải phân cấp cụ thể cho từng địa phương; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo đó, tỉnh phải lo cho tỉnh, huyện phải lo cho huyện, xã phải lo xã, thôn phải lo thôn và từng người dân phải tự lo cho chính mình vì mục tiêu cao nhất là “sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc”. Thủ tướng cũng đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ai làm tốt sẽ được biểu dương, khen thưởng; ai làm không tốt thì sẽ bị phê bình, kiểm điểm và phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật.

Không áp dụng giãn cách xã hội một cách cực đoan

Qua báo cáo của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua có 2 vấn đề nổi lên, đó là việc xuất nhập cảnh trái phép và quản lý cư trú trái phép. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị và đặc biệt là nhân dân cùng vào cuộc để rà soát, phát hiện, xử lý rốt ráo tình trạng trên.  Căn cứ vào tình hình thực tế để tỉnh táo lựa chọn, đưa ra quyết định thông minh nhất để đảm bảo vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch tốt. Trong đó, chủ động quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo phân cấp để đảm bảo phạm vi áp dụng gọn, hẹp nhất có thể, tránh tối đa các tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội, hết sức lưu ý việc đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu sản xuất thông qua các địa bàn giãn cách; không áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá.

Chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, có phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, Thủ tướng cũng yêu cầu  các địa phương chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực cách ly, đảm bảo đáp ứng các tình huống có thể xảy ra. “Tư tưởng là không được trông chờ, ỷ lại; phải tự lực tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, như vậy mới được gọi là lãnh đạo giỏi”, Thủ tướng Chính phủ nhắn nhủ.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ cao nhất lúc này là phải tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cho người dân. Đồng thời đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong thời gian tới. 

DOÃN HÙNG

3.110 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 7-5, cả nước có 3.110 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 1.711 ca trong nước, 2.560 trường hợp đã khỏi bệnh. Kết quả điều tra, xét nghiệm, cách ly điều trị tại cơ sở y tế đối với đợt dịch từ ngày 28-4 đến 7-5 đã ghi nhận 6 ổ dịch cộng đồng với tổng số 146 trường hợp mắc tại 16 tỉnh/thành phố.

Tại Đà Nẵng, theo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP, tính từ ngày 28-4-2021 đến 17 giờ ngày 7-5-2021, trên địa bàn TP ghi nhận 10 bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng. Hiện nay, Bệnh viện Phổi đang điều trị, cách ly 68 người; trong đó có 45 bệnh nhân COVID-19 chưa được công bố khỏi bệnh; 23 người đã khỏi bệnh COVID-19 tiếp tục cách ly đủ 14 ngày.

D.H