Đảm bảo an toàn cấp điện mùa mưa bão
Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Cty Điện lực Đà Nẵng) mỗi khi mùa mưa bão đến. Nhiều phương án đối phó cũng đã được ngành Điện triển khai. Liên quan đến nội dung này, P.V Báo Công an Đà Nẵng đã trao đổi với ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Cty Điện lực Đà Nẵng.
Ông Võ Hòa. |
P.V: Thưa ông, ngành Điện đã tính đến những phương án nào nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện trong mùa mưa bão năm nay?
Ông Võ Hòa: Theo dự báo trong mùa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 12 cơn), trong đó có 3-4 cơn bão, ATNĐ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, tính bất quy luật của bão sẽ tăng vào những năm chịu tác động của ElNino. TP Đà Nẵng nằm ở khu vực ven biển, hạ lưu các con sông mức độ tác động của thời tiết sẽ rất lớn. Ngoài ra, các tình huống thiên tai khác như lũ, lũ quét, vỡ hồ chứa nước... trên địa bàn là những tình huống phải đặt ra để có biện pháp ứng phó. Do đó, để đảm bảo an toàn cung cấp điện, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ, các tình huống thiên tai gây ra, duy trì sản xuất kinh doanh, chúng tôi đặt ra phương châm: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh hậu quả, ổn định sản xuất sau thiên tai.
Như vậy mục tiêu đối phó với các tình huống này sẽ như thế nào?
Chúng tôi đã có nhiều kịch bản khác nhau để đối phó với các tình huống về bão; về lũ, lũ quét; tình huống bão và lũ kết hợp. Trên cơ sở đó, Cty đã xây dựng "Phương thức vận hành hệ thống điện Đà Nẵng khi xảy ra thiên tai năm 2017" và hoàn thành tổng diễn tập xử lý sự cố, phòng chống lụt bão năm 2017. Đó là, trong thời gian có mưa bão, khi có lệnh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (BCH PCTT), các đơn vị chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái sẵn sàng đối phó với thiên tai. Công tác khôi phục hệ thống điện, đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra được Cty thực hiện trên nguyên tắc "4 tại chỗ" và vận dụng linh hoạt vào điều kiện từng đơn vị và Công ty. Tập trung nhân lực, vật tư để khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động bình thường cho hệ thống điện. Trong đó, công tác an toàn đặt lên hàng đầu. Thực hiện khôi phục theo thứ tự ưu tiên (đường dây trước, trạm biến áp sau; đường trục trước, nhánh rẽ sau; điện áp cao trước, điện áp thấp sau...). Trước khi khôi phục phải thực hiện tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá có phương án khôi phục hợp lý; chỉ được đóng điện khôi phục cấp điện khi biết chắc chắn đường dây, công trình điện đã được kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn cùng với nhiều biện pháp kèm theo khác.
Chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống sự cố trên lưới điện. |
Thưa ông, những khu vực nào ở Đà Nẵng dễ bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất khi có thiên tai bão lũ xảy ra?
Hệ thống điện do Cty Điện lực Đà Nẵng quản lý phân bố trên toàn bộ địa bàn TP, địa hình đa dạng... chịu tác động từ các yếu tố dân sinh và thời tiết. Đó là, các dự án đầu tư, khu đô thị, xây dựng khu dân cư, mở đường, hệ thống thoát nước không đồng bộ, chưa đúng quy hoạch,... gây ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn tới độ tin cậy cung cấp điện. Khu vực Trung tâm TP nhiều nhà cửa, cây xanh, tán lá rộng, gốc yếu... khi gió lớn có nguy cơ gây sự cố do cây ngã, va quẹt; công trình xây dựng kết cấu yếu, tôn bay... vào công trình điện, ảnh hưởng đến độ tin cậy, nhất là cấp điện khách hàng quan trọng. Nhiều nơi khác như khu vực Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Châu... khi mưa bão, lũ lớn bị chia cắt do ngập lụt, đất lở, tắc đường... Các xuất tuyến 471E9, 471E12 dài, phụ tải công nghiệp, sinh hoạt nông thôn đan xen, hành lang tuyến bị vi phạm... Do đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác điều hành, khắc phục đối với các tình huống thiên tai từ Cty đến các Điện lực trực thuộc; đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương và nhân dân để nhanh chóng giải quyết các tình huống một cách tốt nhất.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
PHƯƠNG KIẾM (thực hiện)