Đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân do ảnh hưởng của bão Noru
Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, cho biết: Trong ngày 26-9, lượng người đến mua sắm tại siêu thị này tăng gấp đôi so với thời điểm bình thường, hàng hóa được người dân chọn mua nhiều nhất là: gạo, mì ăn liền, đường, sữa, dầu ăn, gia vị nấu ăn, thịt, cá, trứng gia cầm, đồ hộp thực phẩm, rau củ quả, trái cây, nước uống đóng chai, bàn chải, kem đánh răng, bột giặt, khăn giấy, giấy vệ sinh… khiến cho doanh thu tiêu thụ của Siêu thị Coopmart tăng đột biến so với thời điểm bình thường. “Do thời điểm này trùng với thời điểm chúng tôi chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm phục vụ tết Dương lịch 2023 và tết Nguyên đán Quý Mão nên Coopmart Đà Nẵng đảm bảo đủ nguồn hàng, nhất là hàng thiết yếu với giá cả ổn định phục vụ người dân mua sắm về dự trữ tiêu dùng do lo ngại bị ảnh hưởng của bão Noru”, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng chai sẻ thêm.
Chiều 26-9, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết: Sở đã lên kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân TP, nhất là người dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi bão Noru. Cụ thể, đến thời này, tổng nguồn hàng lương thực, thực phẩm dự trữ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đạt khoảng 82,4 tỷ đồng, gồm 56.270 thùng mỳ ăn liền, 22.344 thùng lương khô, 2.714 tấn gạo, nếp các loại, 41.527 thùng nước đóng chai và 833.789 tấn các mặt hàng lương thực thực phẩm khác. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn TP dự trữ và cung ứng nước uống đóng chai, các mặt hàng lương thực thực phẩm khác như: 48.059 thùng mì ăn liền, 22.200 thùng lương khô, 39.402 thùng nước uống đóng chai, hơn 833 tấn đồ hộp thực phẩm…
Đặc biệt, Sở Công Thương TP đã lên phương án cụ thể cung ứng hàng thiết yếu cho người dân trong 2 trường hợp bị ảnh hưởng bởi bão cấp 12 - 13 (bão rất mạnh) và bão cấp 14 - 17 (siêu bão). Trong trường hợp bão rất mạnh, dự kiến TP. Đà Nẵng sẽ sơ tán 32.248 hộ dân/108.456 người (số hộ dân sơ tán: 25.448 hộ; sinh viên, công nhân là 6.800 hộ), trong đó, nhiều nhất là Q.Liên Chiểu - nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp với 17.319 hộ dân. Dự kiến, mức hỗ trợ là 385.000 đồng/hộ (gồm 4 mặt hàng sữa các loại, mì ăn liền,trứng, nước uống dùng trong 3 ngày), kinh phí dự kiến hỗ trợ là 12,42 tỷ đồng; trong trường hợp siêu bão, dự kiến sẽ sơ tán 173.447 người, tương đương 46.900 hộ dân (số hộ dân: 38.125 hộ; sinh viên, công nhân: 8.775 hộ), trong đó, tại Q.Liên Chiểu là 22.166 hộ. Dự kiến, mức hỗ trợ 385.000 đồng/hộ (gồm 4 mặt hàng thiết yếu gồm sữa các lại, mì ăn liền, trứng, nước uống), kinh phí dự kiến hỗ trợ là 18,1 tỷ đồng. Sở Công Thương TP cũng đề nghị UBND các quận, huyện khi có nhu cầu cần hàng hỗ trợ cho người dân, tùy theo tình hình thực tế phát sinh chủ động liên hệ với các nhà cung ứng (theo thông tin do Sở cung cấp các đầu mối cung ứng, phân phối toàn TP) để mua hàng hỗ trợ cho người dân. Các nhà cung ứng có trách nhiệm dự trữ hàng hóa, khi có yêu cầu cung cấp thì vận chuyển hàng hóa đến các quận, huyện theo số lượng đã phân bổ hoặc theo nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP cũng chỉ đạo Cục QLTT TP tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau bão Noru, trong đó, tập trung kiểm tra các hoạt động đăng ký, kê khai, niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng và ở các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối… để kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính, tung tin đồn gây thất thiệt gây khan hiếm hàng hóa, dịch vụ nhằm làm bất ổn thị trường.
PHÚ NAM