PHIÊN HỌP THỨ 35, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Đảm bảo quyền con người trong hoạt động tư pháp

Thứ bảy, 28/02/2015 09:51

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục Phiên họp thứ 35, ngày 27-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự là dự án luật nhận được nhiều quan tâm sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Đánh giá về dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng quá trình soạn thảo, thẩm tra, hoàn thiện, chỉnh lý thông qua các dự án Luật: Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của ba văn bản này và của hệ thống pháp luật.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH và lãnh đạo các cơ quan tư pháp băn khoăn trước quy định bổ sung một số ngành như: Kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh và nhiều đại biểu khác viện dẫn Kết luận 92 của Bộ Chính trị quy định giữ nguyên hệ thống các cơ quan điều tra như hiện nay, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ; xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự và hoạt động trinh sát.

Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, việc bổ sung cơ quan điều tra cần quán triệt tinh thần “sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ”.

Góp ý về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, cơ quan soạn thảo đặc biệt lưu ý tinh thần của Hiến pháp 2013, theo đó cần quy định cụ thể quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tuân thủ Điều 31 của Hiến pháp: Một người chỉ được coi là có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án, kết luận của tòa án. “Phải bảo đảm người bị buộc tội được coi là không có tội, đây là quyền tự nhiên của họ”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Trong buổi làm việc chiều 27-2, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Đây cũng là dự luật được xây dựng với yêu cầu cao về việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nhằm đảm bảo các quyền con người trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam. Đánh giá dự thảo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành dự án Luật này, nhằm bảo đảm công tác tạm giam, tạm giữ phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013: Quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi Luật. Việc xây dựng luật cũng nhằm phúc đáp yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Quan điểm của Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì những người bị tạm giam, tạm giữ chưa bị coi là có tội và chưa phải chịu hình phạt nên một số quyền công dân cần phải được bảo đảm như quyền về an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân... Do đó, Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, cần rà soát những nội dung nào liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì phải được quy định ngay trong dự án Luật.

Cùng ngày, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ 35.

Thu Thủy – TTXVN