Đám cưới làng thời nay
(Cadn.com.vn) - Nhớ lại ngày xưa, mẹ tôi lo lắng suốt mấy tháng trời để cưới vợ cho anh tôi, còn nay chỉ trong vòng có một tháng mà các ông anh, bà chị ở quê tổ chức bốn- năm cái đám cưới liền cho con mà vẫn khỏe re lại còn “rình rang” nữa mới khiếp.
Chị Trần Thị Lư, con dì ruột tôi chuẩn bị đám cưới cho thằng con đầu lòng. Nhà chị nghèo, quanh năm suốt tháng chỉ có mấy sào đất, rồi ai kêu chi làm nấy kiếm chút ít lận lưng. Vậy mà chị cũng làm được ngôi nhà kiên cố, lo con ăn học đến nơi đến chốn. Ngay đến khi lo cái “đại sự” đám cưới cho con trai dự kiến mất mấy chục triệu đồng, chị vẫn tỉnh queo, không như mẹ tôi trước đây “cưới con dâu, sâu con mắt”. Lên nhà gái thăm xong, chị tất tả xuống gặp tôi và nói: “Cậu ạ, chừ tui tính đãi khách vì nhà chỉ có một thằng con trai”. Tôi lo lắng: “Nhà chị đơn chiếc mà đãi đằng rồi ai phục vụ, lại còn tiền bạc nữa chứ !”. Chị cười giòn tan: “Cậu ít ở đây nên không biết đó thôi, chứ ở quê “ới” một cái là có đủ, nào rạp riếc, bàn ghế, người phục vụ, nhạc công... có hết! Tôi chỉ cần vay mượn đỡ cỡ chục triệu lo tiền “nát”, tiền xe, xong đám hoàn trả!”.
Quả vậy, rồi chị tôi kêu ngay dịch vụ “Minh Xuân” ở xã Tam Thái, H. Phú Ninh (Quảng Nam). Thế là, trước hôm cưới 2 ngày đã thấy người ta đến dựng rạp, trang trí... Ngày cưới, chị tôi mời tới 400 khách đến ngồi kín hôn trường trong sân nhà được trang hoàng hoa mỹ. Phía trên rạp còn có che chắn tôn chống mưa nắng. Lễ thành hôn chính thức diễn ra có “MC” diễn trò, có bắn kim tuyến hẳn hoi rồi chú rể khui sâm banh tung tóe trong tiếng vỗ tay chúc mừng rào rào. Đặc biệt là phần ẩm thực phong phú không thua kém nhà hàng ở phố là mấy. Thực đơn được bày lên bàn với 10 món tinh tươm, nào là gỏi ngũ sắc, chả tứ quý, gà lên mâm – xôi gấc, nem lụi – bánh cuốn, mực hấp nước cốt dừa, thịt gói giấy, sườn hầm đậu... và quan khách vô tư uống bia “Con cọp” chai rồi hát rình rang đủ các loại nhạc từ cải lương, hò vè đến “hit, hop” hiện đại của những cô cậu choai choai đi làm ăn xa về làng... “Xập xình” từ 10 giờ trưa đến quá xế chiều, thoải mái “dzô, dzô 100%”, quan khách chuếnh choáng ra về trong tâm trạng hả hê, vui vẻ...
Một đám cưới ở vùng quê. |
Tàn đám, chị tôi nhẩm tính: 400 suất - 40 bàn, mỗi suất, dịch vụ thu trọn gói 90 ngàn đồng (bao luôn tiền thuê rạp, bàn ghế, chén đĩa, ly tách, MC và dàn nhạc...). Còn gia chủ chỉ chịu các khoản như bia, nước ngọt... Hớn hở ngồi với con dâu sau tiệc cưới, chi Lư nói nhỏ với tôi: “Chỗ thân tình, không giấu gì cậu, chi cho dịch vụ cưới hết 36 triệu đồng, 5 triệu tiền bia bọt, bà con mừng cưới bình quân mỗi người 150 ngàn, tổng thu cũng được hơn 60 triệu, trả nợ xong, chị cũng còn cho bọn nó chút ít làm vốn”. Vậy là đám cưới đã qua, trông chị tôi người còn khỏe ra...
Những năm gần đây, đám cưới quê càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trừ tháng giêng hai thì hầu như suốt các tháng còn lại trong năm đều có “xập xình” đám cưới. Ông Trần Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Tam Tiến (H. Núi Thành) nhận xét: “Bây giờ có xu hướng nhiều gia đình muốn đám cưới con tại nhà, nó vừa tình cảm vừa vui. Hiện nay, nhiều dịch vụ phục vụ đám cưới xuất hiện ở quê đã tạo thuận lợi cho những gia đình nông thôn tổ chức tiệc cưới, làm giảm đi gánh nặng lo toan từ bao đời nay của bà con ở những vùng quê nghèo khó. Đây là điều đáng ghi nhận”.
Thực tế hiện nay trên địa bàn Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ... đã xuất hiện nhiều dịch vụ phục vụ trọn gói và tận nhà các đám cưới, đám hỏi và cả đám giỗ, tiệc tùng. Một chủ dịch vụ thổ lộ: “Nếu nhận nấu một tiệc cưới hơn 500 suất sẽ có lãi khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng. Có thu nhập, chủ các dịch vụ này còn góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động nông nhàn ở làng quê”.
Ngày nay, khi cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu thì việc giữ gìn và phát huy nét đẹp các lễ hội ở làng quê nói chung, trong đó có đám cưới làng nói riêng, cần được các cấp các ngành quan tâm hơn và thực tế những năm qua, “xập xình” đám cưới làng có nhiều nét mới và đáng được giữ gìn, phát huy. Hiện tại đám cưới làng vẫn đang tiếp diễn sau lũy tre làng và mong sao không những nó vẫn giữ nét đẹp vốn có mà còn có thêm những nét mới hiện đại nhằm theo kịp nhịp sống nông thôn mới thời nay.
Văn Phin