Dân "hết chịu nổi" vì nhà máy bột cá

Thứ năm, 24/06/2021 15:58

Hơn 5 năm qua, người dân tại các xã Đại Hiệp, Đại Quang (H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phải sống trong cảnh không khí bị ô nhiễm do nhà máy chế biến bột cá của Cty TNHH Chế biến thủy sản Hải Thành Công (HTC) gây ra. Nhiều lần người dân gửi đơn kiến nghị, các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý tình hình có "cải thiện" dăm bữa, nửa tháng song tình trạng ô nhiễm lại... tiếp diễn.

Nhà máy chế biến bột cá của Cty Hải Thành Công gây ô nhiễm không khí.

Ông Huỳnh Thủy, người dân tại thôn Phú Qúy, xã Đại Hiệp, phản ánh: "Tình trạng ô nhiễm này kéo dài từ lâu rồi, cao điểm nhất từ khoảng tháng 5-2021 đến nay. Cứ đến khoảng 16 giờ chiều, nhà máy sản xuất bột cá xả khói màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc lan tỏa khắp địa bàn khu dân cư đã ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và sức khỏe của hàng trăm người dân như chúng tôi".

Theo nhiều người dân ở xã Đại Hiệp, tình trạng ô nhiễm môi trường do Cty HTC gây ra đã kéo dài nhiều năm nay. Nước thải từ nhà máy được xả trực tiếp ra khe Hóc Rọ, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, gây nên tình trạng lúa mất mùa, làm cho không khí bị ô nhiễm. Đặc biệt, trong những ngày có mưa giông tình trạng ô nhiễm không khí càng nặng nề hơn. Nhiều trẻ em, người già sống trong khu vực mắc phải các chứng bệnh về đường hô hấp.

Liên quan đến các kiến nghị của người dân xã Đại Hiệp, tháng 6-2021 UBND H. Đại Lộc và các cơ quan có liên quan đã tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở nhà máy chế biến bột cá của Cty HTC tại cụm công nghiệp Đại An, thị trấn Ái Nghĩa, H. Đại Lộc. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Phòng TN&MT H. Đại Lộc cho biết: kết quả kiểm tra thực tế cho thấy nội dung phản ánh của người dân và UBND xã Đại Hiệp về mùi hôi là đúng.

Cty HTC có vận hành hệ thống xử lý khí thải, nhưng chưa đảm bảo về kỹ thuật. Mùi hôi từ hoạt động của nhà máy vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong quá trình hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân quanh khu vực. Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy ngưng hoạt động nhưng vẫn có phát sinh mùi hôi đặc trưng, vệ sinh mặt bằng chung chưa đảm bảo, chưa có hệ thống tiêu thoát nước mưa. Tuy nhiên, lãnh đạo Cty HTC vẫn "lấp liếm" bằng việc đổ lỗi cho thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây phát tán mùi hôi.

Theo tìm hiểu, nhà máy chế biến bột cá của Cty HTC được đưa vào hoạt động từ năm 2013 đến nay, gần như năm nào cũng gây ô nhiễm môi trường nên bị người dân phản ứng gay gắt. UBND H. Đại Lộc đã xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động một thời gian để thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn lại tái diễn tình trạng phát tán mùi hôi…

Không riêng gì người dân tại xã Đại Hiệp, nhiều hộ dân tại xã Hòa Khương cũng "hết chịu nổi" với mùi hôi từ nhà máy chế biến bột cá của Cty HTC. Chị N. T. B. trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương bức xúc: "Cả ngày đi làm mệt mỏi, tối đến người dân chúng tôi muốn có giây phút nghỉ ngơi, thời tiết thì nắng nóng muốn mở cửa sổ để hưởng chút gió thì mùi hôi lại ập vào. Chúng tôi rất bức xúc về việc này nhưng đến nay mùi hôi vẫn vậy không thể chịu nổi".

Theo ông Đỗ Thanh Cảng- Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp: ngoài nhà máy bột cá, người dân Đại Hiệp còn phải sống trong môi trường bị ô nhiễm từ nhiều nguồn khác, như: bãi rác Đại Hiệp, nhà máy chế biến tấm lợp Fibro xi-măng, cơ sở chế biến mủ cao su Đại Quang… Cụ thể, nguồn nước ngầm bị ô nhễm do bãi chôn lấp rác bị quá tải, nước thải chảy tràn ra các cánh đồng trồng lúa xung quanh; trong quá trình sản xuất tấm lợp Fibro xi-măng của chi nhánh Nam Quang- Cty TNHH Vân Long tự ý đào hố chôn chất thải độc hại ngay chân tường rào cụm công nghiệp có vị trí sát với nhà dân…

Trước thực trạng đó, UBND xã đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo lời một lãnh đạo Phòng TN&MT H. Đại Lộc, tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất khi được cấp phép hoạt động có hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất lại bộc lộ nhiều khuyết điểm gây ô nhiễm không khí, nước ngầm… ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng H. Đại Lộc đã tăng cường việc giám sát, thường xuyên theo dõi hoạt động sản xuất của các nhà máy có biểu hiện gây ô nhiễm để kịp thời có ý kiến chỉ đạo và xử lý.

Với những gì đã và đang xảy ra, người dân Đại Hiệp phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm. Dó dó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn hơn nhằm buộc các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục triệt để nhằm trả lại bầu không khí trong lành cho người dân.

M.T