Dân “nín thở” vì nhà máy đốt lốp ô-tô cũ

Thứ năm, 16/10/2014 09:35

(Cadn.com.vn) - Vụ Cty Cổ phần Kính nổi Chu Lai (INDEVCO) “bỏ quên” hàng trăm container lốp ô-tô cũ tại cảng Đà Nẵng khiến cho không ít người cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, khi đến khu Kinh tế mở Chu Lai (xã Tam Hiệp, H. Núi Thành, Quảng Nam), chứng kiến người dân sống quanh khu vực nhà máy của Cty này kêu trời vì ô nhiễm khói bụi từ khí thải do Cty đốt lốp ô-tô, chúng tôi đã hiểu ra vấn đề.

Chúng tôi về xã Tam Hiệp, hỏi đến nhà máy của Cty INDEVCO thì người dân ở đây ai cũng bức xúc. Dù ngồi trong nhà nhưng chị Nguyễn Thị Nhiên (thôn Phái Nhơn) phải mang khẩu trang cho mình và cả con nhỏ mới hơn 2 tuổi. Chỉ tay về phía ống khói cao đang nhả từng khối khói trắng xám vào bầu không khí, chị Nhiên nói: “Họ đốt cao su cả ngày lẫn đêm như thế, mỗi lần đốt là có mùi hôi và khét kinh khủng, nhiều lúc tôi phải ói mửa. Mỗi lần ăn cơm nhà tôi phải đóng hết cửa lại, nhưng vẫn không thoát được mùi hôi”. Là làng gần với nhà máy INDEVCO nên Phái Nhơn là thôn chịu ảnh hưởng nặng nhất của việc ô nhiễm không khí.  Quả thật, bầu không khí ở đây rất khó thở, khi mùi cao su cháy khét lẹt, đứng ở đây chưa đầy 30 phút nhưng chúng tôi cũng phải dùng đến khẩu trang.

Theo phản ánh của người dân, việc ô nhiễm không khí ở đây bắt đầu khi nhà máy INDEVCO đốt lốp ô-tô cũ để phục vụ sản xuất. Phó hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh (thôn Phái Nhơn, xã Tam Hiệp) Nguyễn Thị Thành cho biết, rất nhiều phụ huynh học sinh đã chuyển con mình đến nơi khác học vì lo sợ mùi hôi ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. “Phụ huynh lo sợ cũng đúng thôi vì mùi hôi lắm, ngồi trong phòng làm việc mà tôi cũng phải mang khẩu trang. Người lớn như thế thì trẻ nhỏ sao chịu được. Mùi hôi nặng nhất là vào buổi sáng và buổi chiều, nên các cô buộc phải cho trẻ vào lớp rồi đóng kín cửa lại nên những hoạt động ngoài trời của trẻ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sau một đêm thì trên nền nhà có lớp bụi đen. Chuyện này nhà trường nhiều lần phản ánh lên cấp trên nhưng vẫn không thấy cải thiện”, cô Thành phản ánh.

Khói trắng xám bốc ra từ việc đốt lốp ô-tô cũ của nhà máy INDEVCO.

Chẳng riêng gì làng Phái Nhơn, những ngôi làng lân cận như Thái Xuân, Vĩnh Đại, Đại Phú, Mỹ Bình... xung quanh nhà máy INDEVCO cũng chịu chung cảnh ngộ. Thậm chí mùi hôi còn bay xuống tận xã Tam Quang, cách nhà máy hơn 6 km.  Ông Trần Cử , Trưởng thôn Vĩnh Đại nói: “Có ở đây mấy anh mới thấy dân tui khổ, mùi hôi rất khó chịu và kéo dài quanh năm, suốt tháng. Trên mái nhà đóng từng lớp bụi cao su. Việc ô nhiễm này đã kéo dài hơn 2 năm nay, khiến nhân dân rất bức xúc, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng chẳng thấy giải quyết”.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, ông Châu Ngọc Trưởng, Trưởng phòng TN-MT H. Núi Thành xác nhận, những bức xúc và phản ánh của người dân là có thật. “Nhận được phản ánh của người dân chúng tôi xuống kiểm tra thì đúng là có mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên huyện không đủ phương tiện để kiểm tra, xử lý. Khi làm việc thì Cty cũng hứa hẹn sẽ hạn chế mùi hôi”, ông Trưởng nói.

   Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tiết kiệm chi phí sản xuất Cty INDEVCO nhập khẩu lốp ô-tô cũ sau đó sẽ nhiệt phân lấy dầu FO-R phục vụ sản xuất kính. Không chỉ thu được dầu, khi đốt lốp ô-tô còn thu được carbon đen và thép. Nhu cầu lớn, nên Cty này đã nhập rất nhiều lốp ô-tô đã qua sử dụng, và số lượng lớn lốp ô-tô tồn đọng tại cảng Đà Nẵng nằm trong số đó. Vào ngày 17- 7 vừa qua, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã có Công văn số 1376/HQĐN-GSQL về việc nhập khẩu lốp ô-tô đã qua sử dụng gửi lên Tổng Cục Hải quan, trong đó nêu rõ: Lượng hàng tồn đọng nói trên đã quá lâu và cơ quan Hải quan cũng đã thông báo theo quy định nhưng chủ hàng vẫn chưa đến nhận hay có phản hồi.

Vì vậy, Cục Hải quan Đà Nẵng đã có Công văn đề xuất gửi Tổng Cục Hải quan kiến nghị lên Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc cho Cty Kính nổi Chu Lai được nhập khẩu săm, lốp ô-tô, cao su đã qua sử dụng, không để ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó trong tổng số 663 container chứa lốp ô-tô quá hạn có 43 container quá hạn làm thủ tục hải quan 180 ngày, 259 container quá hạn 90 ngày và 330 container quá hạn 30 ngày. Theo thông báo của Cty TNHH MTV cảng Đà Nẵng, 15 container trong số hàng trên, người vận chuyển (Hãng tàu MAERSK Line) đã từ bỏ quyền lưu giữ hàng hóa và đề nghị xử lí theo quy định. Lý do để hãng tàu đi đến quyết định trên do đã thông báo 3 lần nhưng Cty CP Kính nổi Chu Lai - INDEVCO không đến nhận hàng.

Ông Trần Cử chỉ lớp bụi cao su đóng trên mái tôn nhà mình.

Sở dĩ việc này phải xin ý kiến Thủ tướng vì mặt hàng lốp ô-tô cũ thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu. Cụ thể, tại Điểm 7a, Mục II, Phụ lục 1 của Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài” có nội dung: “Máy, khung, săm lốp, phụ tùng, động cơ của ô-tô đã qua sử dụng” thuộc Danh mục “Hàng hóa cấm nhập khẩu”. Tuy nhiên vào ngày 15-5-2013, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có Văn bản số 679/TTg-KTN cho phép Cty INDEVCO thực hiện thí điểm nhập khẩu săm lốp ô-tô, cao su đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kính. Thời gian thí điểm từ năm 2013 đến hết năm 2015, mỗi năm, công ty được nhập tối đa là 160.000 tấn. Trong văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu Cty INDEVCO phải tuân thủ các yêu cầu của Bộ TN-MT, xây dựng phương án xử lý carbon đen cơ bản và lâu dài.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, khi nhận được phản ánh của người dân, tỉnh đã nhiều lần tổ chức các đoàn kiểm tra nhà máy INDEVCO tuy nhiên các chỉ số đo đạc không vượt mức cho phép. “Những lần đi kiểm tra nhà máy thì chúng tôi cũng nghe mùi rất hôi, tuy nhiên hiện chưa có chỉ số đo đạc về mùi nên không thể đánh giá. Trước bức xúc của người dân, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ TN-MT kiểm tra và vào ngày 25-7, đoàn kiểm tra của Bộ đã đến làm việc tại nhà máy INDEVCO nhưng đến nay chưa có kết luận chính thức. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn, giao cho BQL Khu  kinh tế mở Chu Lai quản lý và kiểm soát ô nhiễm ở nhà máy này, nếu không xử lý triệt để thì phải di dời nhà máy đến địa điểm khác hoặc hạn chế sản xuất”, bà Hạnh nói.

Việc đốt lốp ô-tô ở nhà máy INDEVCO gây ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là thực trạng đáng quan ngại. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động đốt lốp ô-tô cũ ở nhà máy này, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân.

Hoàng Anh