Dân phá rừng: Nguyên nhân từ đâu?

Thứ tư, 02/07/2014 10:38

(Cadn.com.vn) - Năm 2008, hồ chứa nước Đông Tiễn, xã Bình Trị, H. Thăng Bình (Quảng Nam) được xây dựng và đi vào hoạt động. Vì thế hơn 500 ha đất rừng xung quanh lòng hồ trở thành rừng phòng hộ đầu nguồn vô cùng quan trọng. Nhưng nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2012, khi UBND H. Thăng Bình có kế hoạch trồng cây cao su đại điền tại khu vực xung quanh hồ chứa nước Đông Tiễn thì diện tích rừng nơi đây bị xâm lấn, chặt phá nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân vì đâu lại dẫn đến tình trạng này?

Buổi kiểm điểm các đối tượng vi phạm phá rừng tại khu vực lòng hồ Đông Tiễn vừa được UBND xã Bình Trị, H. Thăng Bình tổ chức vào ngày 30-5 vừa qua. Theo thống kê, trong thời gian từ đầu năm 2012 đến nay, 21 hộ dân ở các thôn Nam Tiễn,Vinh Đông và Vinh Nam đã gây ra 24 vụ phá rừng với tổng diện tích hơn 48ha. Trong đó, có nhiều đối tượng đã chặt phá gần 4ha. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết những người này đều không hề hay biết mình đã vi phạm pháp luật. Được di dời ra làng mới Nam Tiễn từ năm 2008, gia đình bà Lê Thị Chước vẫn tiếp tục trở về làng cũ Đông Tiễn để trồng keo gây rừng. Tuy số diện tích bà và các con chặt phá không lớn, nhưng nó lại nằm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn.

Bà cho biết, khi bị ngành chức năng nghiêm cấm phá rừng, bà và những gia đình xung quanh cũng không hề hay biết vì lý do gì. “Trước đến nay có nghe ai nói chi về việc khai thác đất rừng ở khu vực hồ Đông Tiễn là vi phạm mô, đùng một cái thì bị nghiêm cấm, rồi UBND xã mời lên mời xuống. Nhưng khổ nhất là chừ diện tích keo đã trồng đã cao hơn đầu người, chừ mà bị thu hồi thì uổng quá”, bà Chước nói. Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Thăng Bình, vụ việc phá rừng tại khu vực đầu nguồn hồ chứa Đông Tiễn tại xã Bình Trị trong thời gian vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng việc người dân thiếu đất canh tác, thiếu hiểu biết pháp luật là nguyên nhân cốt lõi nhất.

“Chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế, đời sống của nhân dân hiện rất khó khăn. Di dời từ lòng hồ Đông Tiễn ra nhưng lại ít đất sản xuất. Hơn nữa trong thời gian này, H. Thăng Bình đang có chủ trương phát triển trồng cao su Đại điền và tiểu điền, trong khi việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, nên mới xảy ra tình trạng vi phạm như vậy”, ông Đạt nhận định.

Những người dân vi phạm bị kiểm điểm trong vụ phá rừng ở Bình Trị, Thăng Bình
cuối tháng 5-2014, còn trách nhiệm của chính quyền và ngành chức năng thì sao?

   Có một thực tế đang diễn ra hiện nay tại các khu rừng ở xã Bình Trị, đó là việc lén lút lấn chiếm trái phép đất rừng của người dân các xã Tiên Sơn (H. Tiên Phước) và Bình Lãnh (H. Thăng Bình), nhưng sự việc này vẫn chưa hề bị cơ quan chức năng quan tâm xử lý. Trong khi đó, có nhiều hộ dân ở Bình Trị tự ý phá gần 4ha rừng thì lại chưa được xử lý nghiêm túc. Điều này lý giải vì sao trong số 48,5ha rừng bị phá, lực lượng chức năng chỉ mới kịp giao lại cho các đối tượng vi phạm tiếp tục trồng lại rừng chưa đầy 13ha.

Vì vậy, việc những hộ dân ở xã Bình Trị có thái độ bức xúc khi bị đưa ra kiểm điểm trước dân những ngày cuối tháng 5 vừa qua là hoàn toàn có cơ sở. Ông Dương Văn Năm, ở thôn Nam Tiễn, một trong 16 đối tượng bị đưa ra kiểm điểm lần này bày tỏ: “Việc chúng tôi phá rừng như vậy là sai, nhưng chúng tôi cũng mong các cấp chính quyền xem xét lại nguyên nhân vì đâu lại dẫn đến sự việc này. Tại sao có những người tự ý phá gần 20 đến 30 ha lại không bị đưa ra kiểm điểm?”.

Khu vực rừng đầu nguồn Hồ Đông Tiễn trong thời gian qua bị lấn chiếm với tốc độ chóng mặt, nhưng chính quyền địa phương lại phản ứng yếu ớt và có chiều hướng đẩy trách nhiệm sang cho lực lượng Kiểm lâm và ngành chức năng cấp trên, không có giải pháp quyết liệt, kịp thời để ngăn chặn triệt để vấn nạn này. Mà cụ thể là trong số các đối tượng bị triệu tập trong đợt kiểm điểm vừa qua, đối tượng Nguyễn Chinh, đã lấn chiếm hơn 4ha đất rừng không tham dự, không tiến hành kiểm điểm trước dân nhưng địa phương lại không có phương pháp xử lý, đùn đẩy trách nhiệm lên cơ quan chức năng cấp trên.

Từ đó cho thấy sự yếu kém, bất lực trong công tác quản lý của chính quyền địa phương nơi đây, chỉ biết “kêu cứu” cấp trên khi đối tượng này tỏ thái độ bất hợp tác, coi thường pháp luật. Trong khi đó, hoạt động lực lượng Kiểm lâm chưa đủ mạnh, sự phối hợp giữa các ngành và chính quyền địa phương để bảo vệ rừng còn mang tính hình thức. Theo những người dân nơi đây, nếu cứ tiếp tục quản lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” như thế, thì về lâu dài, những khu vực được xem là “lá phổi xanh” sẽ không tồn tại.

Ông Bùi Đình Thung, người dân ở thôn Vinh Đông, xã Bình Trị cho biết: Cách quản lý ban đầu của chúng ta còn lỏng lẻo, tại sao có những hộ ở khu vực Động Giá, những nơi được xem là vùng biên của rừng, thì có nhiều người trồng được. “Chúng tôi mong muốn ngành chức năng của huyện, Hạt kiểm lâm và cả tỉnh nữa, cần hỗ trợ cho địa phương để xử lý sự việc này”, ông Thung nói. Cũng theo ông Thung, trước mắt là cần lấy lại toàn bộ diện tích đất rừng mà các hộ dân ở Tiên Sơn (Tiên Phước), và Bình Lãnh lấn chiếm. Sau đó tiếp tục quán triệt trong nhân dân tư tưởng kiên quyết không phá rừng nữa.

Dân phá rừng là việc làm trái pháp luật, nhận biết được việc làm sai trái của mình và cam kết không tái phạm là hết sức đáng mừng. Nhưng thiết nghĩ, để xảy ra vụ việc như trên, thì trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống phá rừng, bảo vệ rừng cần được làm rõ không thể để chuyện trái bóng trách nhiệm đá qua đá lại tạo tiền lệ xấu gây bức xúc trong dư luận. Dân sai, dân chịu. Nhưng để cho rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn như hồ Đông Tiễn nói riêng và hơn 6.000 ha diện tích rừng của H. Thăng Bình nói chung, phát huy tác dụng , thì cần có những phương án cụ thể và thiết thực hơn nữa để khi xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, không chỉ riêng người dân phải gánh chịu.

Thành Châu- Trung Thực