"Dân ta phải biết sử ta..."
(Cadn.com.vn) - "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đó là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều người trích dẫn trong những ngày qua để thể hiện sự không đồng tình việc Bộ GD-ĐT tích hợp môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến áp dụng từ năm 2018. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhiều giáo sư Sử học và đông đảo giáo viên dạy môn Lịch sử đồng loạt lên tiếng.
TS Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, cho rằng tích hợp lịch sử với môn An ninh quốc phòng, Công dân với Tổ quốc sẽ không phát huy đầy đủ giá trị của môn học này. |
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, với môn Lịch sử, ở cả 3 cấp học, học sinh đều được dạy và học với yêu cầu bắt buộc. Ở bậc tiểu học, môn Lịch sử sẽ được tích hợp trong môn tìm hiểu cuộc sống quanh ta. Ở bậc THCS thì được tích hợp trong môn Khoa học xã hội. Lên bậc THPT, Lịch sử vẫn được tích hợp ở môn Công dân với Tổ quốc. Môn học này gồm 3 phân môn là Giáo dục Công dân, Giáo dục Lịch sử và Giáo dục Quốc phòng- an ninh.
Bên cạnh đó, môn Lịch sử vẫn tồn tại như một môn độc lập nhưng nằm trong nhóm tự chọn dành cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử. "Với tình hình như hiện nay, chỉ lèo tèo mấy học sinh chọn môn Sử. Như thế thì khác nào "khai tử" môn học này", nhiều giáo viên môn Sử bày tỏ sự thất vọng.
Thầy Lê Khắc Ngọ (giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Phúc Trạch, H. Hương Khê, Hà Tĩnh) tâm sự: "Là một giáo viên giảng dạy môn Lịch sử THPT, tôi trăn trở rất nhiều khi bộ môn mình đang ngày đêm tâm huyết, muốn đem những hiểu biết lịch sử của mình trang bị cho học trò thân yêu, giúp các em hiểu được ngọn nguồn dân tộc, tự hào về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta, bây giờ lại trở thành một môn học tự chọn"...
Theo thầy Ngọ, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải biết rút kinh nghiệm sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 - kỳ thi mà Bộ cho học sinh tự chọn môn thi thì đã có rất ít học sinh chọn thi môn Lịch sử, thậm chí có trường 0%, để lại một hình ảnh dở khóc dở cười khi hàng chục cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ cho một vài học sinh thi môn Lịch sử. Thế nhưng kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ vẫn giữ nguyên quan điểm tự chọn môn thi như năm 2014.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến áp dụng từ năm 2018, lên bậc THPT, môn Lịch sử được tích hợp ở môn Công dân với Tổ quốc. Ảnh: Zing |
TS Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, cho rằng tích hợp Lịch sử với môn An ninh quốc phòng, Công dân với Tổ quốc sẽ làm xé lẻ lịch sử, không phát huy đầy đủ giá trị của môn học này. Theo TS Trần Đức Anh Sơn, dạy sử phải dạy về cội nguồn, về lịch sử hình thành dân tộc - quốc gia, về lịch sử chính trị, về lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc; về lịch sử ngoại giao, quan hệ với láng giềng; về lịch sử trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán… của dân tộc và của nhân loại nữa.
Còn cô Nguyễn Thị Lệ Thu (giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lo ngại việc tích hợp như thế sẽ làm mất tính hệ thống của bộ môn này. Học sinh sẽ có những kiến thức rời rạc, phiến diện, không đầy đủ về lịch sử. "Điều gì sẽ xảy ra nếu như thế hệ trẻ Việt Nam tới đây không biết gì về lịch sử dân tộc, hoặc nếu biết thì cũng chỉ biết lơ mơ, đại khái, cô Thu lo ngại.
Đồng quan điểm này, thầy Lê Khắc Ngọ hiến kế: "Theo tôi, việc cấp thiết phải làm là đưa môn Lịch sử trở thành một môn học bắt buộc, xây dựng chương trình giáo dục lịch sử vừa sức, có cách dạy hấp dẫn, thực tiễn cuộc sống, giúp học sinh có cái nhìn khách quan, chân thực nhất về lịch sử dân tộc và thế giới, có chính kiến rõ ràng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay".
Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe dư luận xã hội, ý kiến học giả, chuyên gia, nhất là các nhà sử học để xem xét thấu đáo đề án tích hợp đối với môn Sử.
Phạm Được