“Dân vận” - kim chỉ nam cho mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân
Có tổng cộng 18 tham luận gửi đến, trong đó có 11 bài được các đại biểu trình bày trực tiếp tại buổi Tọa đàm khoa học do Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Trường Chính trị thành phố tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. |
Một điều dễ nhận thấy, đó là tất cả các ý kiến tại buổi tọa đàm đều nêu bật vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận; đồng thời nêu rõ tư tưởng về nhân dân của Bác đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Cương lĩnh” về công tác dân vận
“Dân vận” là bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15-10-1949, thời điểm mà công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của dân tộc ta ở vào giai đoạn vô cùng gay go, quyết liệt. Vì vậy, công tác vận động quần chúng của Đảng đòi hỏi phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến. Bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì thế càng ý nghĩa hơn khi đã chỉ dẫn về nội dung, phương pháp công tác dân vận vô cùng sâu sắc những cũng hết sức giản dị, tỏ rõ phong cách của một vị lãnh tụ thiên tài.
Tại buổi Tọa đàm, hầu hết các bài tham luận đều có cách thể hiện khá đa dạng, nội dung phong phú. Thể hiện rõ nhất là đã đi sâu phân tích, cảm nhận về giá trị lý luận, giá trị lịch sử của tác phẩm “Dân vận”; đồng thời chứng minh sự đúng đắn, cần thiết, hiệu quả của việc vận dụng quan điểm, tư tưởng của Bác về công tác dân vận vào thực tiễn công tác tại các đơn vị, địa phương tại Đà Nẵng thời gian qua.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, trong tham luận nói về mối quan hệ “Đảng nói - Dân tin, Mặt trận và các đoàn thể vận động - Dân theo, Chính quyền làm - Dân ủng hộ” và bài học về công tác dân vận của Đà Nẵng thời gian qua, cho rằng, đây hoàn toàn không phải là một mô hình lý thuyết sẵn có, mà là kết quả thực tế từng được dày công gầy dựng và từng được thừa nhận rộng rãi trong mối quan hệ giữa hệ thống chính trị của Đà Nẵng với nhân dân thành phố; đồng thời khẳng định “mối quan hệ ấy đang trở thành bài học quý trong công tác dân vận ở Đà Nẵng”.
Bà Mai Thị Thu, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy nhìn nhận, thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đà Nẵng luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh công tác dân vận, đặc biệt là dân vận chính quyền; góp phần tạo được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn của các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương phát triển của thành phố. “Có được thành quả như ngày hôm nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố và các cấp ủy đảng, chính quyền đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, đặc biệt là dân vận chính quyền; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền các cấp”, bà Thu nói.
Ông Phạm Quý, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho rằng, qua buổi tọa đàm lần này, đã một lần nữa tiếp tục khẳng định, tác phẩm “Dân vận” của Bác ra đời cách đây 70 năm nhưng đến nay và mãi mãi về sau, nhất là những vấn đề Người nêu lên vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi, vẫn luôn mới mẻ và hiện đại cả về giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa đối với công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với những cán bộ phụ trách công tác dân vận của Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể. Theo ông Quý, tuy bài báo nhỏ, dung lượng ít (chỉ 620 từ), lời văn ngắn, giản dị nhưng lại rất sâu sắc, chứa đựng những tư tưởng rất lớn, có tầm nhìn chiến lược, thể hiện nổi bật chủ kiến đổi mới của Người về công tác dân vận của Đảng trong quá khứ, hiện tại và tương lai...
Và “bài học được lòng dân” của Đà Nẵng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, dân vận có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng và trở thành truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta. Bởi, mục tiêu của công tác dân vận là xác lập, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng. “Chính vì lẽ đó, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Bác Hồ đã từng đề cập đến nội dung này qua những bài nói, bài viết với nội dung vô cùng súc tích. Trong đó, bài “Dân vận” đăng trên tờ “Sự Thật” được ấn hành giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt”, ông Trí nói.
Theo ông Trí, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng, bài học “được lòng dân” đóng vai trò quyết định cho sự đi lên của thành phố, là nền tảng cho mọi sự thành công của các chủ trương, chính sách do Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng vạch ra. Từ “cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân”, đã tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của thành phố; chính sự đồng thuận đó đã trở thành nguồn lực to lớn, là bệ phóng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng. “Từ sự đồng thuận xã hội, thành phố đã khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân - cả vật chất lẫn tinh thần, huy động sức mạnh tổng hợp các thành phần xã hội, của cả hệ thống chính trị, vì mục tiêu phát triển thành phố. Hơn 100 ngàn hộ dân trong diện di dời, giải tỏa để triển khai các dự án, xây dựng các công trình, không ít người phải chịu một phần thiệt thòi, nhưng hầu hết trong số họ đều đồng thuận với những chủ trương của thành phố đã nói lên tất cả”, ông Võ Công Trí nhìn nhận.
Bên cạnh việc thừa nhận thành quả mà công tác dân vận đem lại cho Đà Nẵng thời gian qua, ông Trí cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác này còn không ít tồn tại, hạn chế. Đó là việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của người dân, chưa được giải quyết “đến nơi, đến chốn”; những sai phạm ở một số tổ chức cơ sở Đảng, của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước... Thời gian tới, ông Trí đề nghị mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng dân vận của Bác; đồng thời phải xác định công tác dân vận và chăm lo lợi ích của nhân dân là một trong những nội dung chủ yếu trong hoạt động của mình, là “mệnh lệnh” tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên.
D.H