Danang MRCC: "Chuyên gia" cứu nạn ở tọa độ nóng!

Thứ bảy, 02/04/2016 10:26

(Cadn.com.vn) - Cuộc trao đổi giữa chúng tôi và ông Bùi Tân Nguyên - Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) diễn ra trong lúc ông cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm và các thủy thủ tàu SAR 412 đang thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tàu ĐNa 90198 TS của ngư dân Đà Nẵng gặp nạn ở vùng biển phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. Câu chuyện anh chia sẻ bỗng trở nên thật sống động, đầy tự hào, thử thách, và cả những nỗi niềm.

Giám đốc Danang MRCC Bùi Tân Nguyên.

P.V: Nhiều người ví, Danang MRCC chuyên thực hiện sứ mệnh cứu nạn ở tọa độ nóng. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Bùi Tân Nguyên: Hiện nay, cả nước có 4 trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn, đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Danang MRCC được giao nhiệm vụ phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển khá rộng, từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường có trữ lượng lớn, đặc biệt là khu vực quần đảo Hoàng Sa, thu hút một lượng lớn tàu thuyền của ngư dân. Đồng thời, đây cũng là tuyến hàng hải quan trọng, nhiều tàu thuyền các loại đi lại. Chính bởi vậy, số vụ tai nạn hàng hải xảy ra trên vùng biển này cũng tương đối nhiều, cường độ các vụ tìm kiếm cứu nạn khá cao. Đơn cử, năm 2015, riêng số vụ cứu nạn do Danang MRCC thực hiện chiếm khoảng một nửa trong tổng số các vụ cứu nạn do 4 trung tâm thực hiện. Thêm vào đó, vùng biển Hoàng Sa có nhiều nhân tố phức tạp chi phối đáng kể công tác cứu nạn, chẳng hạn như sự cản trở, đe dọa của lực lượng nước ngoài, đặc biệt là các lực lượng kiểm ngư, hải cảnh, hải giám của Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép tại khu vực này.

Riêng về phía Danang MRCC, tròn 20 năm kể từ ngày thành lập, đến nay đã có những phát triển vượt bậc về cả phương tiện, thiết bị cũng như lực lượng nhân viên, thuyền viên tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Những ngày đầu khi mới thành lập, con người và điều kiện máy móc, trang thiết bị chưa có nhiều, trung tâm phải phối hợp với nhiều đơn vị khác mới có thể đáp ứng được nhu cầu của tàu thuyền khi gặp sự cố. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn buổi ban đầu, phải thừa nhận rằng có những trường hợp ngư dân, thuyền viên gặp nạn trên biển chúng ta không cứu được. Đó là điều trăn trở với tất cả những người làm công tác tìm kiếm cứu nạn cũng như các cấp lãnh đạo. Năm 2004, dự án ORET của Hà  Lan đầu tư cho cả nước 6 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng. Từ đây, công tác tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam nói chung, của Danang MRCC nói riêng đạt được nhiều thành công. Trong đó, đáng kể nhất, chúng ta đã cứu được hàng trăm ngư dân, thuyền viên gặp nạn trên biển. Đồng thời, sự xuất hiện của các con tàu SAR trên vùng biển Việt Nam cũng góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Toàn cảnh Danang MRCC, chụp sáng 1-4-2016, tại thời điểm tàu SAR 412 cứu nạn
và lai dắt thành công tàu ĐNa 90198 TS về cảng an toàn.

P.V: Chúng tôi biết rằng, với rất nhiều người, đặc biệt là những ai từng được cứu thoát khỏi hiểm nguy của biển cả thì những cán bộ, nhân viên Danang MRCC có thể ví như những người hùng. Là người đã gắn bó rất lâu với Danang MRCC, ông có thể chia sẻ đôi điều về họ?

Ông Bùi Tân Nguyên: Công việc của chúng tôi rất khác so với những đơn vị khác. Tất cả các anh em ở trung tâm đều phải luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Bởi vì những rủi ro, bất trắc nơi trùng dương sóng bể có thể ập đến với ngư dân bất kì lúc nào. Dù là ban ngày hay giữa đêm khuya, dù thời tiết thuận lợi hay khắc nghiệt, dù ngày thường hay ngày lễ, hễ nhận được thông báo, chỉ 15 phút sau, tất cả anh em thủy thủ phải có mặt ở tàu để xuất phát ra khơi làm nhiệm vụ. Trọng trách công việc rất lớn, nên dù phải đối mặt với sự khốc liệt của thiên nhiên, tranh giành sự sống với tử thần, tất cả anh em thủy thủ vẫn giữ vững ý chí sắt đá và lòng dũng cảm để thực hiện sứ mệnh nhân đạo và giúp ngư dân, thuyền viên yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Riêng tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, có đá ngầm, san hô nên tàu của ngư dân dễ mắc cạn và chìm. Tàu SAR khi thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn cũng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro rất cao. Thế nhưng, bên cạnh những bất lợi của tự nhiên, sự gia tăng, cản trở của các lực lượng tàu kiểm ngư, tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc tìm kiếm, cứu nạn. Một lần nữa "sứ mệnh nhân đạo", nhiệm vụ cứu người được đặt lên hàng đầu, thủy thủ tàu SAR 412 đã luôn khôn khéo  tránh những va chạm, thực hiện đúng quy định của Luật hàng hải quốc tế về việc cứu nạn. Mặt khác, để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, họ cũng không hề tỏ ra sợ hãi, nao núng. Chính nhờ điều đó mà tất cả các vụ việc xảy ra tại quần đảo Hoàng Sa đều được giải quyết thành công. Riêng trong năm 2015, chúng ta đã cứu được gần 100 người ở trung tâm quần đảo Hoàng Sa.

P.V: Lẽ thường, công việc gì cũng có rủi ro, trắc trở, nói đến nghề cứu nạn trên biển, phải chăng càng cảm nhận rõ hơn điều đó?

Ông Bùi Tân Nguyên: Trong lúc chúng ta trao đổi đây, tàu SAR 412 vẫn đang thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tàu ĐNa 90198 TS. Tàu SAR 412 rời bến lúc 10 giờ 50 phút ngày 30-3-2016, tiếp cận được tàu bị nạn lúc 23 giờ cùng ngày, hiện tại đang chăm sóc thuyền viên và dự kiến khoảng 8 giờ sáng mai về đến Đà Nẵng (thực tế diễn ra đúng như nhận định của ông Nguyên, lúc 8 giờ hôm qua, 1-4, tàu SAR 412 đã cứu thành công 6 thuyền viên và lai dắt tàu ĐNa 90198 TS về Đà Nẵng an toàn - P.V). So với những vụ cứu hộ cứu nạn khác thì lần này chúng ta không gặp nhiều khó khăn, ngoài sự bất lợi của thời tiết trên biển.

Tuy nhiên, việc cứu nạn không phải lúc nào cũng được thuận lợi như vậy. Đôi khi, chúng tôi phải đối mặt với thử thách cân não. Vụ cứu nạn tàu Sông Thương là một ví dụ điển hình. Cuối tháng 12-2014, tàu bị chìm ở vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 50 hải lý. 28 thuyền viên trên tàu bị sóng đánh trôi dạt giữa biển khơi. Trong điều kiện thời tiết xấu, mưa, lạnh, gió giật cấp 6, cấp 7, tàu SAR 27 - 01 với sự chỉ huy của thuyền trưởng Hòa đã cứu được toàn bộ thuyền viên tàu bị nạn. Có lần, một tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng gặp trục trặc, trôi dạt trên biển hai ngày liền và không giữ được thông tin liên lạc. Thời tiết diễn biến vô cùng phức tạp, biển động, gió lớn, trời mưa và nhiều mây mù. Vượt qua khó khăn, tàu SAR của trung tâm đã tìm thấy tàu bị nạn. Thế nhưng không may, trong lúc lai dắt tàu bị nạn về cảng thì lại đứt dây, con tàu lại bị trôi đi mà tàu SAR không hay biết. Rất may, sau đó con tàu bị nạn gặp được một tàu khác hỗ trợ, báo tin về trung tâm thì công tác cứu nạn mới được hoàn thành. Đó là vụ cứu nạn để lại cho thủy thủ của Danang MRCC những nỗi trăn trở, nếu không nói là ám ảnh trong thời gian dài.

Khó khăn, gian khổ là vậy, thử thách, hiểm nguy là vậy, nhưng muốn cứu người ra khỏi sóng gió thì chính chúng ta phải vượt qua sóng gió.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phương Dung
(thực hiện)