Dâng hương, tưởng niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma
Ông Nguyễn Văn Tấn - Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng cho biết, lễ cầu siêu kết hợp giỗ chung là hoạt động được anh em đồng đội, thân nhân gia đình tổ chức hằng năm để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống tại Gạc Ma. Năm nay chẵn 35 năm, ngoài lễ giỗ chung tại đình làng Nại Nam, vào ngày 14-3 tới còn có một lễ lớn khác được tổ chức.
Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa cho biết, tại Quảng Nam và Đà Nẵng trong giai đoạn 1988 đã có hàng chục thanh niên lên đường vào các đơn vị bộ đội để ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Vào ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ của Việt Nam đã hi sinh khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma.
Chỉ tính riêng tại Đà Nẵng, P. Hòa Cường (hiện là P. Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam) của Q. Hải Châu có 7 chiến sĩ đã nằm xuống tại Gạc Ma. Để ghi nhớ công ơn những người đã cầm súng và hi sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, Đà Nẵng đã lấy đình làng Nại Nam làm nơi tưởng niệm, khắc bia vàng ghi tên các liệt sĩ quê Đà Nẵng, Quảng Nam. Hàng năm, cứ đến tháng 3, anh em cựu binh Trường Sa quyên góp, cùng nhau tổ chức lễ giỗ chung cho đồng đội.
Đọc lời tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Tấn nhớ lại: "Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14-3-1988 là cuộc chiến không cân sức. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế... nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc các chiến sĩ đã quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
"Sự hy sinh đó cũng nhắc nhở thế hệ hôm nay, những người còn sống và ở lại không được giây phút nào lãng quên, không mất cảnh giác vì sự toàn vẹn lãnh thổ", ông Tấn xúc động.
Sau lễ tưởng niệm, mô hình tàu HQ 604 được đồng đội, người thân thả xuống dòng sông Hàn trôi về biển khơi.
Công Khanh