Đằng sau chuyện "tỉa, ủi" rừng tự nhiên Vĩnh Hà
(Cadn.com.vn) - Ông Trần Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND H. Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã rất ngạc nhiên trước những hình ảnh rừng tự nhiên ở xã Vĩnh Hà (H. Vĩnh Linh) bị phá hoại nghiêm trọng do P.V Báo Công an TP Đà Nẵng chụp được từ hiện trường. Lập tức, ông Hùng chỉ đạo cấp dưới thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, xác minh và cho biết thêm: "Hàng ngàn héc-ta rừng tự nhiên tại Vĩnh Hà chưa được đồng ý chuyển đổi mục đích, nếu trồng mới phải trồng cây bản địa, không được trồng loại cây như keo, tràm". Đúng 1 tuần sau, chúng tôi trở lại rừng cùng lực lượng chức năng địa phương kiểm tra thực địa thì mới nhận ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn...
Từ nguồn tin của người dân cung cấp, sáng 19-11-2014, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã đi thực tế vào rừng Vĩnh Hà (H. Vĩnh Linh) để ghi nhận tình trạng phá rừng tại đây. Từ đường Hồ Chí Minh, theo bảng chỉ dẫn vào bản Khe Cau, chúng tôi rẽ theo con đường bê-tông đi hết Làng Thanh niên lập nghiệp thì gặp con đường đất đỏ bùn lầy trơn trượt, bị băm nát bởi chi chít vết bánh xe.
Đoàn liên ngành kiểm tra thực địa rừng phòng hộ bị phá để trồng keo vào ngày 26-11. |
Rừng tự nhiên tại Vĩnh Hà có nhiều diện tích không phải là rừng giàu nhưng chức năng là rừng phòng hộ nằm dọc sông Bến Hải và chưa có chủ trương chuyển đổi mục đích. Tuy nhiên, đi được gần 10km, chúng tôi bắt đầu thấy một lứa keo lai vài tháng tuổi phủ một số khoảng đồi. Đi tiếp, chúng tôi phát hiện nhiều quả đồi khác đã được ủi trọc, gốc bụi cây to chỏng chơ tấp một đống, cũng một lứa keo tràm nữa đã được trồng. Hiện trường cho thấy trước đó không lâu có sự hiện diện của máy móc san ủi mặt bằng. Tiếp tục leo qua một đỉnh dốc sau khi buộc phải bỏ xe máy từ ngoài xa vì đường sá quá hiểm trở, chúng tôi gặp 2 thanh niên đồng bào Vân Kiều và họ cho biết vị trí này thuộc bản Khe Cau. Như vậy, chặng đường chúng tôi qua đã hơn 10km, trong đó phải cuốc bộ hơn 1km.
Tạm bỏ lại phía sau những quả đồi đang được tái sinh bởi keo, tràm đang lớn chúng tôi tiếp tục đi sâu và cận cảnh rừng bị "tỉa" trên diện rộng. Như đã nói ở phần trên, rừng tự nhiên tại Vĩnh Hà chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phần lớn diện tích không phải là rừng giàu. Cây to chỉ rải rác nên chắc chắn việc chặt đốn cũng như tập kết trước khi chuyển ra khỏi rừng sẽ rất vất vả. Chúng tôi nhận ra có nhiều lối nhỏ được mở và những gốc cây đường kính từ 30-60cm bị cưa đốn trước đó. Tại một vị trí bên con suối cạn, đống gỗ lớn mới được cưa, đốn tập kết xong. Và khi chúng tôi quay trở ra, lại có thêm một đống gỗ tươi xuất hiện bên lề đường với dấu bánh xe ô-tô còn mới. Chúng vừa được hạ đổ.
Một bãi tập kết gỗ khai thác trái phép tại rừng Vĩnh Hà. |
Ngay chiều cùng ngày, chúng tôi đến trụ sở Kiểm lâm H. Vĩnh Linh để tìm hiểu thêm thông tin nhưng cán bộ ở đây cho biết Hạt trưởng Bùi Quang Linh bận họp. Chúng tôi cố gắng liên lạc qua điện thoại nhưng không được.
Ngày 24-11-2014, chúng tôi một lần nữa đến trụ sở Hạt Kiểm lâm thì được biết Hạt trưởng bận công tác trực báo tại TP Đông Hà (Quảng Trị). Qua trao đổi với Hạt phó Nguyễn Hữu Tám thì vị cán bộ lãnh đạo này cho hay không thuộc lĩnh vực của ông (!?).
Chúng tôi quyết định liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND H. Vĩnh Linh và tiếp xúc được với ông Trần Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách nông, lâm nghiệp. Từ những hình ảnh chúng tôi cung cấp, ông Hùng ngạc nhiên vì chưa từng nhận được thông tin, báo cáo nào liên quan. Ông Hùng cho biết mấy năm trước tại Tiểu khu 58 rừng Vĩnh Hà từng xảy ra chặt phá 25ha rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất nhưng đã sớm được ngăn chặn. Còn diện tích, vị trí rừng chúng tôi đề cập không thuộc tiểu khu trên. Để thực hư, ông Hùng đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của Phòng TN&MT, Kiểm lâm và nhiều đơn vị được giao làm chủ rừng như Lâm trường Bến Hải, lãnh đạo xã Vĩnh Hà, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải.
Sáng 26-11-2014, đoàn kiểm tra liên ngành xuất phát từ TT Hồ Xá vào rừng Vĩnh Hà những không có lãnh đạo huyện tham gia. Chúng tôi được xem là những người dẫn đường cho đoàn kiểm tra vào vị trí cần xác thực?! Lần trở lại này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình trạng quá thê thảm của con đường bị ô-tô cày nhẽo ra, dấu vết cho thấy tần suất hoạt động rất cấp tập và cũng vừa diễn ra vài ngày qua.
Nhiều gốc cây có đường kính từ 20-60cm bị cưa hạ trái phép. |
Đi tiếp chúng tôi giật mình với nhiều lối dẫn sâu vào hai bên rừng vừa được mở, những gốc cây vừa bị đốn hạ, vết chặt còn tứa mủ. Lần theo dấu xe, chúng tôi tiến sâu hơn vào rừng, càng đi càng thấy nhiều lối mở khác vừa được tạo. Những hình ảnh đó càng khiến chúng tôi thêm hoài nghi về một đợt cấp tập gom gỗ ra khỏi rừng trước khi đoàn kiểm tra vào?
Cuối cùng, đoàn kiểm tra cũng đến đúng nơi cần đến, đứng trên khoảnh đồi vừa được trồng cây keo tràm, dù vị trí này là bên đường, cũng không xa mấy bìa rừng nhưng nhiều thành viên đoàn hầu như rất lạ lẫm. Riêng đại diện BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải sớm xác nhận 4.000 ha rừng do họ quản lý ở vị trí rất xa, không phải khoảnh rừng này. Tại hiện trường, vấn đề được quan tâm nhất là truy cho ra ai là chủ rừng để quy trách nhiệm. Nhưng nghịch lý ở chỗ công tác quản lý, bảo vệ hàng ngàn héc-ta rừng tự nhiên trên địa bàn Vĩnh Hà nhiều năm qua gặp vướng mắc, khó khăn do chưa phân định và cắm mốc ranh giới cụ thể loại rừng và chủ rừng.
Bảo Hà