Đằng sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh với quân đội Myanmar

Thứ bảy, 27/03/2021 11:22

Biểu tình bùng nổ ở Myanmar sau cuộc đảo chính của quân đội hôm 1-2.   Ảnh: Getty Imgaes

Sau những cảnh báo liên tiếp, cuối cùng, Anh và Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt lên hai tập đoàn kinh tế của quân đội Myanmar, trong động thái gây áp lực đáng chú ý lên giới lãnh đạo nước này.

Theo BBC, Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC) và Myanmar Economic Holdings Ltd (MEHL) nắm kiểm soát một phần quan trọng của nền kinh tế Myanmar, với lợi ích xuyên nhiều ngành công nghiệp chính của đất nước. Bộ Ngân khố Mỹ hiện đã thêm hai tập đoàn vào “danh sách đen”, đóng băng bất kỳ tài sản nào Cty sở hữu ở Mỹ và cấm các cá nhân lẫn doanh nghiệp Mỹ giao dịch với họ. Trong khi đó, Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt lên MEHL.

Không nhắm vào người dân Myanmar

Hai tập đoàn này từ lâu đã chịu sức ép bủa vây do cáo buộc tài trợ cho quân đội trấn áp những người biểu tình.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, lệnh trừng phạt của Washington và London không đủ lực để giải quyết vấn đề. Một ví dụ chỉ ra sự phức tạp của việc áp đặt và thực thi các biện pháp trừng phạt là Golden City, một công trình phát triển phức hợp ở Yangon. Cty đã niêm yết tại Singapore Emerging Towns -Cities (ETC) - sở hữu 49% cổ phần trong việc mở rộng thông qua một số Cty địa phương - đã ngừng giao dịch vào tháng 2 sau khi nhóm hoạt động “Công lý cho Myanmar” công bố các cáo buộc có liên quan đến quân đội Myanmar và sàn giao dịch chứng khoán đã yêu cầu Cty giải thích về phần mình trong dự án. Cty thừa nhận đối tác của họ ở Myanmar có mối quan hệ với quân đội và thực hiện thanh toán tiền thuê cho Golden City vào một tài khoản do Văn phòng Tổng giám đốc quản lý, nơi báo cáo cho Bộ Quốc phòng. Nhưng họ phủ nhận những khoản tiền đó có thể được sử dụng cho việc vi phạm nhân quyền, đồng thời nói rằng theo luật Myanmar, Cục trưởng cục quân nhu phải chuyển tất cả tiền vào tài khoản ngân sách của chính phủ, đồng thời nhấn mạnh, như vậy là họ đã hết trách nhiệm.

Cty này đã tạm ngừng giao dịch trước đó trong tháng 3 trên sàn giao dịch Singapore trong khi chờ đợi đánh giá “độc lập” để làm rõ các giao dịch tại Myanmar cho các nhà đầu tư.

Liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả?

Cả những người chỉ trích lẫn người đề xuất cách tiếp cận cứng rắn hơn đều đồng ý rằng cho đến nay, các lệnh trừng phạt - vốn chỉ nhắm vào những người đứng đầu của Myanmar - là tương đối yếu.

Một số chuyên gia cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ trước đây đối với Myanmar đã có tác động ở mặt nổi. Và một chuyên gia lo ngại rằng, người dân bình thường chứ không phải chính phủ một lần nữa có thể phải trả giá, đặc biệt nếu các lệnh trừng phạt hóa thành một nỗ lực rộng lớn hơn là nhằm khiến nhà nước vỡ nợ. Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm mục tiêu cụ thể hơn so với những biện pháp mà Myanmar phải đối mặt trước đây, và chỉ ra rằng các nhà hoạt động ở Myanmar đang tẩy chay các Cty có liên hệ với quân đội.

Nếu các lệnh trừng phạt nhằm làm tổn thương quân đội mà không đóng cửa nền kinh tế, thì câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể hoạt động ở Myanmar trong khi cẩn trọng tránh thỏa thuận với hai tập đoàn trên hay không. Htwe Htwe Thein, Phó Giáo sư Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Curtin ở Perth, cho biết hai doanh nghiệp này không phải là tất cả, và nhiều Cty hàng tiêu dùng có thể tiếp tục hoạt động. Nhưng điều này cũng không đúng đối với lĩnh vực tài nguyên của Myanmar. "Quyền sở hữu của quân đội ở khắp mọi nơi trong lĩnh vực khai thác", bà nói. Nhưng nếu các lệnh trừng phạt buộc các Cty dầu khí phương Tây rút lui, ông Horsey hy vọng rằng các doanh nghiệp từ Trung Quốc hoặc Thái Lan sẽ thay thế họ.

Theo số liệu của chính phủ Myanmar, Trung Quốc và Thái Lan chiếm hơn một nửa khối lượng thương mại của cả nước, trong khi Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, tạo ra 11 tỷ USD trong 5 năm qua.

KHẢ ANH