Đằng sau những cuộc "giải cứu nông sản" (Kỳ cuối: Khi thương lái "làm luật")

Thứ bảy, 09/06/2018 19:30

Hàng loạt mặt hàng nông sản bất ngờ tăng giá rồi lại rớt giá thảm hại không phải là chuyện mới. Không hiểu biết về thị trường, không biết cách quảng bá nông sản ra "chợ" thế giới, nhiều nông dân xứ Quảng mặc dù sản xuất tốt vẫn chỉ biết ngồi nhà đợi người đến mua hàng. Và đầu ra duy nhất của sản phẩm nông sản vẫn là những công ty, nhóm hộ kinh doanh thu mua nông sản. Thế nhưng những "đầu ra" này cũng phải nương theo qui luật thị trường. Và trong cái "qui luật" ấy, người bán-nông dân không hề có tiếng nói mà hoàn toàn phụ thuộc vào "luật" của thương lái...

Bể ớt muối của gia đình anh Dũng phần nào giúp ổn định giá ớt cho bà con nông dân.

Đầu tháng 6, khi những thửa ớt của nông dân chín đỏ đồng cũng là lúc gia đình anh Nguyễn Dũng (thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, H.Duy Xuyên) vào mùa bận rộn nhất. Là một trong hai vựa thu mua ớt lớn của huyện,  gia đình anh Dũng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con nông dân. Anh kể: "Trước đây gia đình tôi chỉ chuyên thu mua lúa gạo, buôn bán phân bón. Khoảng 10 năm trước có thương lái ở Hải Dương về tìm hiểu thị trường, làm quen và hướng dẫn gia đình tôi cách thu mua, bảo quản ớt của bà con. Từ đó vợ chồng tôi bắt đầu gầy dựng cơ sở, thu mua, vận chuyển ớt cho người này. Cứ đến mùa ớt là họ đến nhà tôi ở 3,4 tháng để làm ớt. Xong vụ thì lại về Hải Dương, gia đình tôi nhận tiền theo từng kiện ớt chuyển đi còn giá cả thì tùy họ, mình không quyết được". Hiện nay ngoài số ớt tươi được vận chuyển đi mỗi ngày anh Dũng còn đầu tư xây dựng 14 bể ớt muối. "Từ đầu vụ đến giờ gia đình tôi đã thu mua khoảng 400 tấn ớt, dự  kiến sẽ còn phải mua thêm 100 tấn. Mỗi bể ớt muối hiện nay chứa được khoảng 60 tấn. Số ớt muối này chúng tôi giữ lại để một thời gian nữa qua mùa ớt, giá ớt lên cao hơn bán sẽ có lời. Đây cũng là phương án để giữ giá ớt cho bà con", anh Dũng cho biết.

Theo anh Dũng cao điểm mùa ớt, số tiền anh luân chuyển để thu mua lên đến hàng tỷ đồng nhưng chưa bao giờ anh được quyết giá bởi trong khâu vận chuyển ớt này, gia đình anh cũng chỉ là một mắt xích trung gian. Anh Dũng cho biết số ớt gia đình anh thu mua sẽ được xuất khẩu qua Trung Quốc nhưng xuất đi như thế nào, cách thức ra sao thì anh không biết. "Những năm gần đây giá ớt lên xuống thất thường. Có lúc giá ớt lên cao hái không kịp bán nhưng chỉ được vài ngày lại rớt xuống đáy. Là người địa phương mình cũng xót cho bà con nông dân nhưng không biết làm sao. Chỉ hy vọng có người mua, có đầu ra là còn mừng bởi nhiều địa phương chịu ảnh "bỏ con giữa chợ" hàng hóa đổ đống ra không ai mua", anh Dũng tâm sự. Điều anh Dũng hy vọng cũng là tâm tư chung của bà con nông dân xứ Quảng bởi đã không ít lần thương lái Trung Quốc "lật kèo" ngưng thu mua nông sản khiến nông dân điêu đứng.

Là người cung cấp, sản xuất nông sản nhưng nông dân xứ Quảng hoàn toàn không có quyền quyết định mức giá.

Nhiều năm làm nghề thu mua nông sản, bà Huỳnh Thị Yến (trú thị trấn Phú Thịnh, H. Phú Ninh) cho biết đã quá quen thuộc với việc nông sản thường xuyên bị o ép, mất giá. "Nói không ngoa là thương lái Trung Quốc rất giỏi. Mặc dù không thông thạo địa hình nhưng họ đi khắp nơi để lùng mua nông sản. Từ tiêu, ớt, dưa hấu, cau... cứ hễ thức gì mình có là họ mua.  Hồi đó tôi chỉ buôn bán nhỏ nông sản để chuyển vào Sài Gòn nên giá mua giá bán cũng chỉ chênh nhau đôi phần. Đùng một cái thương lái Trung Quốc vào mua giá cao gấp rưỡi, gấp đôi nên bà con nông dân rất phấn khởi. Thời điểm đó tôi chuyển sang thu gom đầu ra rồi thương lái đến lấy chứ không trực tiếp bán nữa. Còn bây giờ thì buôn bán khó khăn lắm, họ nói bao nhiêu cũng phải bán, mình không có quyền định giá". Theo bà Yến, anh Dũng, cách thức mua hàng của thương lái cũng vô cùng khôn khéo. Mùa nào cũng vậy họ sẽ mua giá cao vào một thời điểm nhất định. Sau khi nông sản chín rộ là lúc họ tung tin đóng cửa khẩu, không nhập hàng nữa. Chính "chiêu bài" này đã làm nông dân hoang mang và trong tình thế đó dù bị ép giá bao nhiêu chăng nữa cũng vẫn phải bán. Điều này cũng phản ảnh thực tế là tại sao năm nào nông sản cũng ế thừa, cũng rớt giá nhưng nông dân không bỏ được.

Con số mà Cục Xúc tiến thương mại (thuộc Bộ Công thương) đưa ra khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi: có đến 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Mặc dù nông sản Việt có chất lượng cao, sản lượng ổn định nhưng thương hiệu nông sản Việt vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận sân chơi hội nhập. Xót xa hơn, ngay cả hạt gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn trong nước khi xuất ra nước ngoài, chủ yếu thường lấy tên chung như gạo trắng hạt dài, gạo 5% tấm, gạo 25% tấm... chứ hầu như chưa có thương hiệu cụ thể nào. Cùng cung "số phận" hẩm hiu với nông sản Việt, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại cho mặt hàng nông sản. Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, một trong những nhiệm vụ sống còn của ngành nông nghiệp tỉnh là bảo vệ thương hiệu nông sản, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Xây dựng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và tập trung xây nhiều mô hình điểm. Thực tế, một số địa phương như TP Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, ngoài đặt mục tiêu phát triển du lịch còn khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ văn hóa bản sắc của từng vùng, miền. Trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn, có xác nhận của cơ quan quản lý và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, tỉnh Quảng Nam đang tích cực ký kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chặng đường đưa nông sản Việt ra thế giới vẫn còn rất dài. Trên hành trình đó không chỉ có người nông dân vào cuộc mà còn là sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Biết đến bao giờ nông sản Việt tự hào đứng bằng đôi chân của mình trên thị trường thế giới? Câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ.

ĐỒNG DAO