Đằng sau quyết định hoãn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ
Tổng thống Donald Trump bất ngờ đảo ngược kế hoạch áp thuế đối ứng toàn diện khi tuyên bố tạm hoãn ba tháng. Có một số yếu tố chính khiến ông Trump đưa ra quyết định này.

Chỉ 13 giờ sau khi các mức thuế quan đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn trong 90 ngày đối với thuế đối ứng - được áp lên hàng nhập khẩu từ gần 60 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Mức thuế này được thiết kế riêng, tùy chỉnh cho từng đối tác thương mại, dựa theo mức thặng dư thương mại với Mỹ. Nhưng đến nay, thay vì chịu các mức thuế tùy chỉnh đó, hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác này sẽ tạm thời chỉ phải chịu mức thuế cố định 10%, mức thuế mà ông Trump đã áp đặt lên hàng hóa từ tất cả các nước bắt đầu từ ngày 5-4.
Trung Quốc, một trong những quốc gia đang chịu mức thuế quan "trả đũa" mới, lại không nằm trong lệnh tạm dừng mới đây nhất từ Tổng thống Trump. Thay vào đó, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 104% lên 125%. Quyết định của ông Trump được đưa ra sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch trả đũa bằng mức thuế 84% áp với hàng hóa của Mỹ.
Trong bài đăng vào hôm 9-4, Tổng thống Trump cũng cho biết các quốc gia khác chịu mức thuế quan đối ứng của ông đã không có hành động trả đũa dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này dường như nhấn mạnh chỉ có Trung Quốc mới đưa ra các đáp trả mạnh mẽ với thuế quan của chính quyền Mỹ.
Áp lực từ nhiều phía
Theo CNN ngày 9-4, ngay cả với một tổng thống thường xuyên thay đổi các quyết sách một cách bất ngờ, thì thông báo về tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng mà ông đã theo đuổi suốt thời gian dài vẫn là một bước ngoặt gây ngạc nhiên. Chỉ một ngày trước đó, ông vẫn thể hiện ủng hộ hoàn toàn các mức thuế này. Động thái này diễn ra khi Đại diện Thương mại Mỹ đang điều trần trước Quốc hội để bảo vệ lợi ích của các mức thuế, dường như không hề biết trước rằng Tổng thống sẽ trì hoãn. Suốt nhiều ngày chịu áp lực từ các nghị sĩ Cộng hòa, giới lãnh đạo doanh nghiệp và cả những người bạn thân thiết, ông Trump vẫn không lay chuyển. Tuần trước, ông khẳng định: "Chính sách của tôi sẽ không bao giờ thay đổi".
Tuy nhiên đến ngày 9-4, chiến dịch thuyết phục ông Trump thay đổi lập trường vẫn không dừng lại. Đặc biệt, sau đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ vốn thường là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư, có thể thấy những tác động kinh tế từ chiến lược của Tổng thống nghiêm trọng hơn so với dự đoán ban đầu của các cố vấn.
Theo ba nguồn tin am hiểu vấn đề, nỗi lo ngày càng lớn bên trong Bộ Tài chính Mỹ về thị trường trái phiếu là yếu tố trung tâm khiến ông Trump quyết định tạm hoãn chế độ thuế đối ứng. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã trực tiếp nêu vấn đề này với ông Trump trong một cuộc họp ngay trước khi thông báo tạm hoãn được đưa ra, phản ánh sự đồng thuận từ nhóm cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, những người đã cảnh báo ông về tốc độ bán tháo ngày càng tăng của trái phiếu chính phủ Mỹ. Các cuộc gọi từ giới doanh nghiệp đồng minh với Nhà Trắng cũng ngày càng tập trung vào diễn biến đáng lo ngại ở thị trường trái phiếu, khi họ cố gắng thuyết phục ông Trump rút lại kế hoạch.
Việc thực hiện thuế quan đối ứng đã gây ra những sự hỗn loạn trên thị trường và làm dấy lên nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế. Tổng thống Trump được cho là phải chịu áp lực lớn từ các lãnh đạo doanh nghiệp và giới đầu tư khi họ đã yêu cầu ông đảo ngược chính sách thuế quan. Khi CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon tuyên bố trên Fox Business rằng suy thoái là "kịch bản có khả năng xảy ra" do cuộc chiến thương mại leo thang, ông Trump đang theo dõi. Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, nghị sĩ Cộng hòa và nhiều đồng minh khác đã liên tục gọi điện cho Chánh văn phòng Susie Wiles, Phó tổng thống JD Vance và Bộ trưởng Bessent, thúc giục ông Trump cân nhắc lại về kế hoạch áp thuế.
Cuối cùng, một tuần sau khi công bố chính sách thuế khiến hệ thống thương mại toàn cầu chao đảo, ông đã quyết định tạm hoãn chính sách này. Ông nói: "Ta phải linh hoạt. Tôi nghĩ thị trường tài chính luôn thay đổi, hãy nhìn hôm nay xem thị trường đã thay đổi bao nhiêu". Khi được hỏi lý do thay đổi quyết định, ông Trump nói: "Tôi nghĩ rằng mọi người đã hơi thái quá. Họ đang trở nên hơi lo lắng, hơi sợ hãi".
Phản ứng của thị trường
Thị trường chứng khoán đã tăng vọt sau khi Tổng thống Trump công bố tạm hoãn một số loại thuế. Chỉ số S&P 500 tăng 9,5% - mức tăng lớn nhất trong ngày kể từ năm 2008. Động thái mới nhất này đã kết thúc một tuần đầy biến động, bắt đầu từ việc Tổng thống Trump khiến cả thế giới bất ngờ sau tuyên bố gây sốc về áp mức thuế cao nhất trong hơn một thế kỷ qua. Giá dầu, vốn đã sụt giảm trong những ngày trước đó do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng đã tăng trở lại nhờ vào tin tức quan trọng từ Tổng thống Trump.
Tuyến bố của ông Trump trước mắt đã mang lại sự "nhẹ nhõm" cho giới tài chính Phố Wall. Thông tin này cũng khiến các nhà kinh tế của Goldman Sachs rút lại dự báo về một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, những bất định xoay quanh bước đi tiếp theo của ông Trump - cùng với tác động của những mức thuế vẫn đang còn hiệu lực, bao gồm các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn chưa hết lo lắng. Nền kinh tế Mỹ sẽ chịu áp lực nếu tâm lý lo ngại này dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu ở quy mô lớn.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi thời gian tạm hoãn kết thúc?
Sự khó đoán định của chính quyền Tổng thống Trump khiến câu hỏi này dường như không có câu trả lời chắc chắn.
Bài đăng của Tổng thống Trump về việc tạm hoãn cho thấy mục đích của động thái này là để tạo cơ hội cho các đối tác thương mại của Mỹ đàm phán nhằm tránh bị áp thuế. Ông Trump và một số quan chức Mỹ khác cho biết họ muốn các quốc gia thực hiện những biện pháp như giảm thuế nhập khẩu, cũng như dỡ bỏ các rào cản thương mại khác, bao gồm các quy định, hạn ngạch, trợ cấp cho nhà sản xuất nội địa cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ông Trump cho rằng thâm hụt thương mại của Mỹ là kết quả của các rào cản như vậy và ông muốn loại bỏ tình trạng đó.
Có khả năng khi thời gian tạm hoãn 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 7, những quốc gia chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ sẽ một lần nữa đối mặt với mức thuế quan đối ứng - mức thuế chưa từng được áp dụng trước ngày 9-4. Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể sẽ tiếp tục hoãn thêm một lần nữa - giống như cách ông đã hai lần trì hoãn đánh thuế một số mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada trước đây.
AN BÌNH
Dòng sự kiện:Chính trường thế giới
Tổng thống Mỹ để ngỏ việc miễn trừ thuế đối với một số quốc gia
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran: Cơ hội cho hòa bình bền vững
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang
Mỹ làm rõ mức thuế đối với hàng Trung Quốc là 145%, không phải 125%
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ làm Trưởng đoàn đàm phán thương mại với Việt Nam