Đằng sau thảm họa Sewol

Thứ sáu, 17/04/2015 10:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-4-2014, một chiếc phà lật úp ngoài khơi bờ biển phía nam Hàn Quốc giết chết 304 người trong đó 250 học sinh trung học. Đây là một trong những thảm họa hàng hải khủng khiếp nhất Hàn Quốc, gây đau đầu cho Nhà Xanh. Nhưng một năm sau thảm họa, một số gia đình vẫn loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ.

Nỗi đau người ở lại

Tại cuộc họp báo ở Seoul gần đây, một bà mẹ than khóc là không kiểm soát được hành vi của mình. Lúc đầu, bà khá bình tĩnh trước nỗi đau mất con gái, nhưng sau đó bà kêu gào trong đau buồn tuyệt vọng.

Trong dịp kỷ niệm 1 năm thảm họa, nhiều cuộc biểu tình nổ ra nhưng không quá mạnh, xuất phát từ nỗi đau khôn nguôi của gia đình các nạn nhân. Đối với gia đình bà Lee Keum-hui và chồng Cho Nam-sung, nỗi nhớ con gái Eun-hwa, không lúc nào nguôi. Bà Lee vẫn giữ lại đoạn ghi âm cuộc gọi cuối cùng của con gái. Trong cuộc gọi từ chiếc phà đang gặp nạn, Eun-hwa lo lắng vì chiếc phà nghiêng. Cô bé cũng mô tả nỗi sợ hãi của các bạn bè trong trường Trung học Danwon. Eun-hwa không trở lại và là một trong 9 nạn nhân vẫn còn mất tích.

Ông Cho cho biết không thể chịu nổi việc phải sống một năm trong nỗi đau tột cùng. "Kể từ khi họ ngừng tìm thi thể của con gái tôi, nỗi buồn của tôi chuyển thành sự giận dữ", ông nói. Giờ đây, họ đặc biệt thất vọng khi chính phủ vẫn chưa trục vớt phà để tìm kiếm những người mất tích, mặc dù Tổng thống Park Geun-hye gần đây cho biết sẽ "tích cực xem xét".  Bộ Đại dương và Thủy sản ước tính, chi phí trục vớt phà 6.825 tấn là 110 triệu USD.

9 nạn nhân còn mất tích trong vụ chìm phà Sewol. Ảnh: BBC

Vũ khí chính trị

Hiện, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn tức giận bởi chính phủ thất bại trong việc tiến hành cuộc điều tra mở và độc lập. Trên thực tế, một năm sau thảm kịch, Quốc hội vẫn chưa mở cuộc điều tra chính thức do những bất đồng về nhà tài trợ cũng như người dẫn đầu.

Sự giận dữ của các gia đình hiện trở thành công cụ chính trị mà phe cánh tả chống lại chính phủ cánh hữu. Phà Sewol và 304 nạn nhân trở thành một vũ khí chính trị trong cuộc chiến tả-hữu của đất nước. Điều tra cho thấy phà Sewol bị quá tải, được cơi nới không an toàn để có thể chở thêm hàng hóa và hành khách. Dù vậy, nó vẫn được chạy. Ngoài ra, bảo vệ bờ biển đến muộn và khi đến, không ra lệnh sơ tán người khỏi phà.

Và các cá nhân đã bị trừng phạt. Thuyền trưởng Lee Joon-seok bị kết án 36 năm tù giam và 14 thành viên thủy thủ nhận mức án 9-25 năm. Đội trưởng bảo vệ bờ biển bị tù 4 năm do sơ suất. Yoo Byung Eun, nhà tài phiệt sở hữu Cty điều hành phà Sewol, bỏ trốn sau vụ việc và được tìm thấy đã chết trong một cánh đồng mận. Nhưng sự giận dữ của người dân Hàn Quốc không chỉ là thất bại cụ thể của cá nhân hoặc một hệ thống. Đối với các gia đình, đó là sự tức giận đối với sự mất mát của những người thân yêu. Nhưng đối với các phong trào phản đối rộng hơn, đó là sự tức giận trước sự coi thường về an toàn tính mạng người dân.

Chỉ trong một thế hệ, Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một trong 20 nước giàu nhất thế giới. Thảm họa phà Sewol khiến nhiều người tự hỏi làm thế nào một đất nước hiện đại lại có tiêu chuẩn an toàn kém như vậy. Chính phủ đề nghị bồi thường. Các gia đình mất con sẽ nhận được 378.000 USD cũng như khoảng 200.000 USD từ một quỹ được thành lập để tiếp nhận tài trợ. Gia đình của các giáo viên sẽ nhận được nhiều hơn. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là không tiền nào có thể bù đắp cho sự mất mát 304 con người.

An Bình
(Theo BBC)