Đằng sau “thương vụ Rafale” của Hy Lạp
Hy Lạp cuối cùng đã chính thức ký thỏa thuận mua sắm 18 máy bay chiến đấu tối tân Rafale do tập đoàn Dassault của Pháp sản xuất. Theo giới phân tích, đây được xem là động thái “dằn mặt” của Hy Lạp dành cho Thổ Nhĩ Kỳ tại không phận phía Đông Địa Trung Hải.
Mẫu máy bay Rafale tối tân được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở sân bay Le Bourget, Pháp. Ảnh: THX |
Thỏa thuận lớn
Theo Market Watch, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã có mặt tại Athens để ký hợp đồng bán 18 máy bay Rafale với người đồng cấp Hy Lạp. Một hợp đồng trị giá 2,5 tỷ EUR này là một tin tuyệt vời cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, cũng như hệ thống phòng thủ Châu Âu.
Theo thỏa thuận, Pháp sẽ cung cấp cho Hy Lạp 18 chiếc Rafale, gồm 6 máy bay mới và 12 máy bay đã qua sử dụng. Công tác bàn giao bắt đầu từ tháng 7-2021 và sẽ kéo dài trong vòng 2 năm. Rafale là một máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ cánh tam giác 2 động cơ thế hệ thứ tư của Pháp, được thiết kế và chế tạo bởi Dassault Aviation. Dassault đã sử dụng khái niệm “Omni Role” (tất cả các nhiệm vụ) làm thuật ngữ tiếp thị nhằm phân biệt loại máy bay này với các loại máy bay chiến đấu “đa nhiệm vụ” khác có phân biệt nhiệm vụ chính và các nhiệm vụ phụ khác. Rafale đang được chế tạo để sử dụng cho cả các căn cứ trên mặt đất của Không quân Pháp và trên tàu sân bay của Hải quân Pháp. Paris cũng đã được tiếp thị xuất khẩu rất quy mô. Nhiều nước đã bày tỏ sự quan tâm tới Rafale, nhưng do giá thành cao nên phải tới năm 2020, Rafale mới tìm được 3 khách hàng mua loại máy bay này (Ai Cập mua 24 chiếc, Ấn Độ và Qatar mỗi nước mua 36 chiếc). Và Hy Lạp là khách hàng mới nhất của loại máy bay này.
Một tin rất tốt cho ngành công nghiệp Pháp – việc sản xuất Rafale sử dụng 7.000 việc làm trực tiếp. Và một tin tuyệt vời cho quốc phòng Châu Âu - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh rằng - đây là lần đầu tiên Rafale được bán cho một quốc gia Châu Âu. Có thể thấy, chưa bao giờ Pháp bán máy bay Rafale nhanh như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng từ khi công bố thương vụ mua bán này vào tháng 9-2020 đến khi ký hợp đồng ngày 25-1. Theo các chuyên gia, điều này chỉ có thể được giải thích bởi bối cảnh căng thẳng ở phía đông Địa Trung Hải.
“Dằn mặt” Thổ Nhĩ Kỳ?
Mối quan hệ giữa Ankara và Athens vốn dĩ chưa bao giờ êm ả. Trong những tháng qua, căng thẳng giữa hai nước tiếp tục tăng nhiệt với một loạt điểm nóng mới, trong đó có câu chuyện người nhập cư, tranh chấp về biển Aegean, và cả vùng biển Địa Trung Hải
Hy Lạp lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể viện đến vị trí quan trọng của mình trong kiểm soát dòng người nhập cư vào Châu Âu để gây áp lực lên Liên minh Châu Âu, khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, gây bất lợi cho Athens. Hy Lạp có hàng ngàn hòn đảo tại khu vực biển Aegean, trong đó, một số đảo lớn nằm ngay sát Thổ Nhĩ Kỳ, được Athens khẳng định có Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 hải lý theo Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo cơ chế của UNCLOS, Hy Lạp có thể tuyên bố chủ quyền với 71,5% diện tích khu vực biển này so với 8,7% của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, một nước không phải thành viên của UNCLOS, đã nhiều lần phủ nhận điều này, thậm chí đe dọa hành động quân sự nếu Hy Lạp tiếp tục thực thi quyền theo UNCLOS.
Căng thẳng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang lên cao sau vụ Ankara điều tàu thăm dò được hộ tống bằng các tàu quân sự đến khu vực Đông Địa Trung Hải. Trong khi các thành viên láng giềng của NATO đang mâu thuẫn về các yêu sách đối với vùng biển Địa Trung Hải và các quyền năng lượng, không gian hàng không và tình trạng của một số hòn đảo trên biển Aegean, Pháp thường xuyên đứng về phía Athen trong những tranh chấp về biên giới giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biển Aegean.
KHẢ ANH