Đằng sau vấn nạn tự tử ở Hàn Quốc

Thứ tư, 24/12/2014 09:19

(Cadn.com.vn) - Hàn Quốc là quốc gia có mức tự tử cao nhất trong số các quốc gia thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhóm gồm các quốc gia phát triển giàu có. Năm 2013, có khoảng 14.427 người tự tử ở Hàn Quốc, tương đương với 40 vụ xảy ra mỗi ngày. Vì đâu nên nỗi!

Hồi cuối tháng 10, một cặp vợ chồng và con gái 12 tuổi ở Incheon cùng nhau tự tử bằng cách hít khí độc, để lại thư tuyệt mệnh trong đó người mẹ kể chi tiết những khó khăn của gia đình.

Bé gái cũng cũng để lại bức tâm thư nói rằng, "tất cả sẽ tốt hơn vì gia đình chúng tôi sẽ được ở bên nhau mãi mãi". Một tuần sau, cảnh sát công bố nguyên nhân đằng sau vụ tự tử gây chấn động này. Đó là do nợ nần.

Cặp vợ chồng này có 15 căn hộ chung cư ở Incheon, nhưng cầm cố lên đến khoảng 900 triệu won (831.000 USD). Người cha, từng sở hữu Cty đấu giá nhưng bị phá sản. Vì không thể trả tiền cầm cố nhà với mức thu nhập giới hạn, họ đi vay nặng lãi khiến nợ nần càng chồng chất.

Nợ nần và tự tử - hồi chuông báo động

Gia đình này là chỉ 3 trong số 14.000 người tự tử mỗi năm ở Hàn Quốc. Năm 2013, khoảng 14.427 người ở Hàn Quốc tự tử, tương đương với 40 vụ mỗi ngày.

Số liệu mới nhất cho thấy, đa số những người tự tử vì khó khăn tài chính, đặc biệt là nợ nần. Theo số liệu của Văn phòng Ngân sách thuộc Quốc hội Hàn Quốc, người dân mỗi nhóm tuổi, ngoại trừ thiếu niên và trẻ nhỏ, thường có ý tưởng tự tử mạnh mẽ nhất khi gặp khó khăn tài chính.

Trong khi đó, mức nợ từng hộ gia đình ở đất nước này cũng gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong 8 năm qua. Cũng trong năm 2014 này, có khoảng 70.000 sinh viên đại học phải vay tư nhân với lãi suất hàng tháng lên đến 30% hoặc cao hơn để trả học phí.

Chuyên gia Lee Chae-jeong thuộc Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết, người dân ở độ tuổi từ 30-50 có xu hướng tự tử cao từ năm 2011 tới nay, trở thành vấn đề "vô cùng nghiêm trọng". Tuy nhiên, chuyên gia  này cho biết, Nhà Xanh vẫn chưa ưu tiên cho vấn đề này.

Nữ diễn viên nổi tiếng xứ Hàn Choi Jin-sil tự tử được cho là do trầm cảm. Ảnh: Korea Times

Tìm cách quản lý nợ nần

Kim Hee-cheol, 57 tuổi, từng là chuyên gia ngân hàng, hiện mở dịch vụ cung cấp tư vấn tài chính cho hầu hết các khách hàng giàu có. Ông hiện là Chủ tịch Hopemakers, doanh nghiệp xã hội và Cty tư vấn cung cấp các hướng dẫn tài chính cho những người đang ngập trong nợ.

Kể từ khi thành lập Cty vào năm 2008, ông tiếp hàng trăm người có ý định tự tử vì nợ. Khi làm việc tại các ngân hàng thương mại, ông nhận ra có quá nhiều người gặp rắc rối vì họ chỉ đơn giản là không biết cách lựa chọn quản lý nợ. "Rất nhiều người Hàn Quốc có tư tưởng rằng, nếu bạn đang nợ nần, đó là lỗi của bạn, do không đủ năng lực, không biết chi tiêu hoặc là một con bạc", ông Kim nói.

Quá trẻ và quá nghèo

Kim Eun-young (không phải tên thật), bà mẹ 23 tuổi sống ở Incheon, nghĩ đến cái chết trước khi tìm đến Hopemakers.

Không thể trả các hóa đơn và tiền thuê nhà hàng tháng, cô và gia đình phải sống khổ sở trong gần 1 năm qua và giờ đang có nguy cơ bị ném ra đường. Cha mẹ cô cũng không thể giúp gì vì họ cũng quá nghèo. Cơn ác mộng tài chính bắt nguồn từ sai lầm khi còn trẻ - không thể xoay xở được khoản tiền trả học phí đại học.

Bà mẹ trẻ kiêm sinh viên đại học này nhận thông báo nghỉ học khi khoản tiền đại học vượt quá 1 triệu won - hơn tiền lương hàng tháng của chồng. "Vâng, đó rõ ràng là lỗi của tôi, nhưng cái giá của sai lầm quá khắc nghiệt. Tôi ước gì họ thông báo với tôi trước khi quá trễ".

Thực tế, các gia đình nghèo khó ở Hàn Quốc thường tự sát tập thể là bằng chứng cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này không có mạng lưới xã hội an toàn đầy đủ, Yeo Yoo-jin - nhà nghiên cứu vấn đề nghèo khó tại Viện Các vấn đề xã hội và sức khỏe Hàn Quốc. "Điều đó có nghĩa là các bậc cha mẹ bằng cách nào đó nghĩ rằng, khi họ chết cần đem theo con mình vì điều đó tốt hơn là để con sống như trẻ mồ côi nghèo đói ở trên đời", bà cho biết. Đối với người cao tuổi (hoặc người tàn tật có thu nhập hạn chế) để nhận sự trợ cấp của nhà nước, con người đó phải rất nghèo, hoặc bị con bỏ rơi.

Hơn nữa, một cuộc khủng hoảng nợ, đặc biệt, thường dẫn đến sự tan rã của gia đình và khiến những người nghèo cảm thấy bị bỏ rơi.

Thanh Văn
(Theo Korea Herald)