Đằng sau vụ Phần Lan tuyên bố xin gia nhập NATO

Thứ sáu, 13/05/2022 10:11
Ngày 12-5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cùng Thủ tướng nước này Sanna Marin đã ra một tuyên bố chung, xác nhận mong muốn được trở thành một phần của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Một xe tăng Leopard 2A6 của Phần Lan trong cuộc tập trận chung với Anh, Latvia, Estonia ngày 4-5. Ảnh: Getty
Một xe tăng Leopard 2A6 của Phần Lan trong cuộc tập trận chung với Anh, Latvia, Estonia ngày 4-5. Ảnh: Getty

Theo kênh truyền hình RT, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo bày tỏ: "Trở thành một thành viên NATO, Phần Lan sẽ củng cố liên minh quốc phòng". Hai nhà lãnh đạo cho biết Phần Lan "sẽ xin gia nhập NATO ngay lập tức". Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow triển khai tại Ukraine đã khiến dư luận Phần Lan ủng hộ việc quốc gia gia nhập khối này. Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, khoảng 3/4 dân số Phần Lan ủng hộ quyết định.

Một cơ quan chính phủ đặc biệt bao gồm hai quan chức hàng đầu của Phần Lan và một số thành viên trong nội các dự kiến nhóm họp vào cuối tuần này để viết đơn gia nhập chính thức, sau đó đơn này sẽ được đệ trình lên Quốc hội Phần Lan để thông qua. Các cơ quan lập pháp của mỗi đồng minh NATO cũng sẽ cần phải thông qua việc Phần Lan trở thành thành viên. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cho biết quá trình này sẽ không thể hoàn tất trước tháng 10 và có thể kéo dài tới 12 tháng.

Trước động thái của Phần Lan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng động thái này "chắc chắn" là mối đe dọa với Nga, đồng thời cảnh báo sự mở rộng khối quân sự này sẽ không khiến châu Âu hay toàn thế giới ổn định hơn. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh các bước đi do Phần Lan thực hiện nhằm gia nhập NATO là nguồn cơn gây hối tiếc và là lý do buộc Moskva phải đáp trả tương xứng.

Về phần mình, cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO sẽ củng cố liên minh quân sự thân phương Tây này và cả Phần Lan. Ông Stoltenberg nêu rõ: "Nếu Phần Lan quyết định nộp đơn, NATO sẽ hoan nghênh nhiệt liệt động thái này, và quá trình xét duyệt sẽ suôn sẻ và nhanh chóng. Phần Lan là một trong những đối tác thân thiết nhất của NATO, một nền dân chủ hoàn thiện, một thành viên của EU và là một nhân tố quan trọng đóng góp cho an ninh châu Âu-Đại Tây Dương".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh việc Phần Lan sẵn sàng nộp đơn xin gia nhập NATO. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Phần Lan, Tổng thống Zelensky viết trên Twitter: "Chúng tôi cũng thảo luận về sự hội nhập châu Âu của Ukraine, và hoạt động hợp tác quốc phòng". Bên cạnh Phần Lan, Thụy Điển từng bày tỏ gia nhập NATO. Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cho biết nếu quốc gia của ông nộp đơn xin gia nhập NATO, ông mong muốn quá trình xét duyệt sẽ được làm cùng lúc với đơn của Phần Lan. Thụy Điển cũng được cho là đang có những động thái chuẩn bị cho khả năng một cuộc xung đột với Nga, sau khi nước này có những bước chuẩn bị nhằm đệ đơn xin gia nhập NATO.

Trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn căng như dây đàn, những diễn biến mới này càng đẩy Nga và NATO đến bờ vực căng thẳng khó cứu vãn. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 12-5 nhận định, việc phương Tây dồn vũ khí cho Ukraine trong chiến dịch quân sự với Nga có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa Moscow và NATO. Kịch bản này có thể leo thang trở thành cuộc chiến hạt nhân, ông Medvedev cảnh báo. "Các nỗ lực của các nước NATO nhằm đưa vũ khí tràn ngập vào Ukraine, huấn luyện quân đội Kiev sử dụng thiết bị của phương Tây, triển khai lính đánh thuê và tổ chức các cuộc tập trận gần biên giới của Nga sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp và công khai giữa Nga và NATO thay vì cuộc chiến ủy nhiệm hiện tại", ông Medvedev nói. Ông cảnh báo: "Luôn có nguy cơ một cuộc xung đột như vậy sẽ biến thành một cuộc chiến hạt nhân toàn diện. Đây sẽ là một kịch bản thảm khốc cho tất cả mọi người".

Nga và Mỹ hiện là 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Theo tổ chức Hiệp hội kiểm soát vũ khí (Mỹ), Nga hiện có 6.527 đầu đạn hạt nhân, trong khi 3 cường quốc hạt nhân NATO gồm Mỹ, Anh, Pháp có tổng cộng 6.065 đầu đạn.

Ukraine tuyên bố tịch thu toàn bộ tài sản của Nga để tái thiết đất nước

Interfax ngày 11-5 đưa tin, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thông báo, chính phủ nước này đang chuyển toàn bộ các tài sản của Nga ở Ukraine sang Quỹ Đầu tư Nhà nước.

Chính phủ Ukraine cũng đã chỉ đạo Bộ Kinh tế nước này làm thủ tục bàn giao các tài sản đặt ở Ukraine của Nga và công dân Nga cho Quỹ Đầu tư Quốc gia Ukraine và đặt chúng dưới sự quản lý hoạt động của quỹ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã trình sắc lệnh về việc tịch thu tài sản Nga lên Quốc hội hôm 11-5. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã thông qua một nghị quyết về việc thu giữ các tài sản của Nga vào cùng ngày.

Nga trừng phạt hàng chục công ty năng lượng phương Tây

Nga ngày 12-5 tuyên bố đã áp đặt lệnh trừng phạt lên hơn 31 công ty năng lượng từ các nước châu Âu, Mỹ và Singapore, thậm chí bao gồm các công ty con cũ của Gazprom ở châu Âu, để đáp trả các biện pháp trừng phạt phương Tây đưa ra.

Theo sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký vào đầu tháng này, các cơ quan có thẩm quyền, pháp nhân và công dân Nga bị cấm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hay ký kết giao dịch với các công ty trong danh sách trừng phạt. Các tàu liên quan tới những công ty này cũng bị cấm cập cảng Nga. Danh sách bao gồm 31 công ty đến từ Đức, Pháp và các nước châu Âu khác, cũng như từ Mỹ và Singapore bao gồm EuRoPol Gaz, chủ sở hữu đường ống Yamal đoạn đi qua Ba Lan… Đặc biệt, danh sách bao gồm các công ty thuộc tập đoàn Gazprom Germania, vốn là công ty con tại Đức của tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom, các nhà kinh doanh và vận hành các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất.

KHẢ ANH