Iran nổi giận với Ukraine do ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ và Israel
Bộ Ngoại giao Iran ngày 30-6 thông báo đã triệu tập đại biện lâm thời của Ukraine và gửi công hàm phản đối chính thức về những phát biểu gần đây của giới chức Ukraine ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ và Israel vào Iran.
Theo hãng tin RT, trên trang web chính thức, Bộ Ngoại giao Iran hôm 30-6 đã lên án "những tuyên bố vô lý của một số quan chức Ukraine liên quan đến các cuộc tấn công của Mỹ và Israel nhằm vào Iran". "Bằng cách ủng hộ hành động tấn công quân sự của Israel, trên thực tế, giới chức Ukraine đã phớt lờ nghĩa vụ pháp lý quốc tế của nước này liên quan đến việc tôn trọng các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương LHQ và 4 Công ước Geneva", Shahram Farsai, Vụ trưởng Vụ Á - Âu 1 thuộc Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh.
Theo truyền thông Iran, Đại biện lâm thời Ukraine Kirill Pozdnyakov đã cam kết với chính quyền Tehran rằng công hàm phản đối chính thức sẽ được chuyển đến Kiev nhanh chóng. Giới chức Iran cũng cảnh báo sẽ có "hậu quả" nếu các hành động mà họ mô tả là "khiêu khích" tiếp tục xảy ra.
Iran không nêu rõ phát biểu của giới chức Ukraine liên quan đến Israel và cuộc không kích của Mỹ là gì, song trong thời gian diễn ra cuộc chiến kéo dài 12 ngày, Kiev đã chính thức lên án vụ Iran phóng tên lửa vào căn cứ không quân Al-Udeid của Mỹ ở Qatar hôm 23-6. Vụ tấn công này nhằm đáp trả việc Mỹ ném bom và phóng tên lửa vào các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran.
Bộ Ngoại giao Ukraine khi đó cáo buộc Tehran đang hợp tác chặt chẽ với Moscow và cho rằng cả hai đang "làm bất ổn Trung Đông và châu Âu". Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận quan hệ giữa Kiev và Tehran là "vô cùng phức tạp" và chỉ trích Iran vì ủng hộ Nga. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch không kích của Mỹ và Israel, gọi đây là "hành động mạnh mẽ và đúng đắn".
Trước đó, phản ứng với các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran hôm 22-6, Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng "chương trình hạt nhân Iran phải chấm dứt" để Tehran không bao giờ có thể tiếp tục đe dọa các nước khác ở Trung Đông hoặc bất kỳ quốc gia nào. Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng thái độ thù địch của Iran với Israel và nhiều quốc gia khác là một trong những nguyên nhân "dẫn đến tình hình hiện tại". Theo cơ quan này, các cuộc tấn công của Israel và Mỹ đã gửi tín hiệu rõ ràng tới Iran rằng không thể tiếp tục chính sách làm mất ổn định tình hình an ninh ở Trung Đông. Ukraine cũng cho rằng việc xóa bỏ chương trình hạt nhân Iran sẽ giúp khu vực Trung Đông và toàn thế giới an toàn hơn.
Hôm 13-6, Israel đã bất ngờ tấn công phủ đầu Iran với lý do ngăn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. Sau đó, Mỹ cũng triển khai ném bom vào 3 cơ sở hạt nhân quan trọng của quốc gia Hồi giáo. Chính quyền Tehran nhất quyết phủ nhận có ý định phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời mở các cuộc tấn công đáp trả Mỹ và Israel. Cuộc xung đột 12 ngày giữa Israel - Iran đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian vào tuần trước. Cho đến nay, thỏa thuận vẫn đang có hiệu lực.
Ngày 30-6, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã loại trừ khả năng nhanh chóng nối lại đàm phán với Mỹ, đồng thời khẳng định Tehran trước tiên cần đảm bảo sẽ không bị tấn công lần nữa. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào cho Iran và cũng không tham gia đối thoại với nước này kể từ khi các cơ sở hạt nhân của Tehran đã "bị phá hủy hoàn toàn".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình CBS Evening News về khả năng nối lại đàm phán sớm nhất trong tuần này, ngày 30-6, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nêu rõ: "Tôi không nghĩ các cuộc đàm phán sẽ khởi động lại nhanh như vậy…". Ông nhấn mạnh để quyết định quay lại đàm phán, trước tiên Tehran cần phải đảm bảo rằng Washington sẽ không tái diễn hành động quân sự trong thời gian thương lượng. Dù "cánh cửa ngoại giao sẽ không bao giờ đóng lại", song vẫn cần có thêm thời gian.
Khi được hỏi về khả năng Iran sẽ sớm khôi phục hoạt động làm giàu uranium trong vài tháng tới như đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Ngoại trưởng Araghchi khẳng định các vụ đánh bom không thể xóa sổ công nghệ và khoa học. Nếu có ý chí, Tehran hoàn toàn có thể "nhanh chóng khắc phục thiệt hại và bù đắp thời gian đã mất". Ngoài ra, Ngoại trưởng Iran cũng cảnh báo Tehran sẵn sàng tự vệ nếu tiếp tục bị tấn công và điều này đã được chứng minh trong cuộc xung đột kéo dài 12 ngày vừa qua.
AN BÌNH