Đằng sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Pandora" gây chấn động
Vụ rò rỉ thông tin từ "Hồ sơ Pandora" đã hé lộ lượng tài sản và dòng tiền bí mật của nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng, vốn được quản lý và ủy thác thông qua các công ty ngoại biên. Một số nhân vật máu mặt bị nhắc tên, nhưng có thể không khiến ai phải ngồi tù. Vậy vì sao "Hồ sơ Pandora" vẫn được công khai, tạo ra làn sóng bùng nổ khổng lồ?
Khu biệt thự liền kề nhìn ra biển tại Malibu của Quốc vương Jordan, một trong số nhiều nhân vật bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora".
Tại sao ICIJ lại quyết định công bố Hồ sơ Pandora?
Ngay sau khi được "bật đèn xanh", các hãng truyền thông lớn của thế giới như Washington Post, BBC và Guardian cùng hơn 150 tổ chức truyền thông khác tham gia cuộc điều tra về "Hồ sơ Pandora" dưới sự chủ trì của Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ).
Tất cả tập trung thẩm định khoảng 11,9 triệu tệp tài liệu rò rỉ, trong đó chi tiết vấn đề sẽ được công bố dần dần, bắt đầu từ ngày 3-10 (giờ Mỹ). Một số nhân vật nguyên thủ bị nhắc tên, hàng trăm tỷ phú cũng bị nêu tên. Nhưng có thể không khiến ai phải ngồi tù. Theo đài Sputnik của Nga, "Cơ sở dữ liệu rò rỉ hải ngoại" trực tuyến của ICIJ được công bố cùng lời miễn trừ trách nhiệm, thừa nhận rằng giữ tiền và tài sản ở thiên đường thuế hải ngoại không phải là hành vi phạm tội. Lời miễn trừ trách nhiệm này có đoạn: "Có những cách sử dụng ủy thác và công ty hải ngoại hợp pháp. Chúng tôi không có ý định ám chỉ bất kỳ ai, công ty hay thực thể nào trong Cơ sở dữ liệu rò rỉ hải ngoại ICIJ vi phạm luật hay có hành vi sai trái".
Để có lượng dữ liệu 2,94 terabyte, trang web của ICIJ đã mời gọi mọi người tiết lộ thông tin cho các nhà báo. Những người tiết lộ thông tin cho Hồ sơ Pandora tới từ 14 công ty hoạt động ở 13 khu vực. Trong khi đó, vụ Hồ sơ Panama năm 2016 chỉ dựa trên hồ sơ của một công ty luật duy nhất ở Panama là Mossack Fonseca. Tuy nhiên, ICIJ chỉ liệt kê các giao dịch tài chính, tài sản của các lãnh đạo thế giới hiện nay và trước kia để kích thích độc giả. Và có những tổ chức đứng sau trả tiền cho 240 nhà báo của ICIJ để rà soát, phân tích hồ sơ tài sản của các cá nhân ở nước ngoài như thế này.
Vì sao tỷ phú Mỹ không có tên?
Theo Dailymail, điều gây bất ngờ là các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ và cũng là giàu nhất thế giới như Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett, lại không xuất hiện trong vụ bê bối này.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, đó có thể là do chính sách thuế quá hào phóng ở Mỹ. Theo một báo cáo của Forbes được công bố vào tháng 6, có 25 người giàu nhất nước Mỹ đã trả "mức thuế thực" chỉ là 3,4% trong khi tài sản của họ tăng trưởng 401 tỷ USD từ năm 2014 đến 2018. Nhà sáng lập Amazone, Jeff Bezos được cho là đã trả mức thuế thực chỉ 0,98% trong khi nhà đầu tư Buffet và tỷ phú công nghệ Elon Musk trả mức thuế lần lượt là 0,1% và 3,27%. Vào năm 2018, ông Bill Gates còn thừa nhận rằng mình cần phải trả nhiều thuế hơn. "Tôi cần phải trả thuế cao hơn… Tôi đã trả nhiều thuế hơn, hơn 10 tỷ USD, nhưng chính phủ nên yêu cầu những người giàu như tôi phải trả mức thuế cao hơn đáng kể nữa", ông Bill Gates nói.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cho rằng các nhân vật giàu có của Mỹ có thể đã sử dụng các công ty khác hoặc tài khoản nước ngoài ở các khu vực pháp lý khác nhau để che giấu tiền của mình.
Phơi bày bất bình đẳng toàn cầu
Theo Euronews, Hồ sơ Pandora cho thấy giới tinh hoa bị cáo buộc giấu hàng nghìn tỷ USD ở nước ngoài, né khoản thuế lớn lẽ ra có thể dùng để hỗ trợ người nghèo. Do khối lượng tài liệu quá lớn, các nhà báo hiện chưa chắc chắn tổng số tài sản bị che giấu, nhưng ước tính có thể từ 5.600 tỷ USD đến 32.000 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc giới siêu giàu lợi dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới mất tới 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. "Số tiền bị giấu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn, đến việc tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở của con cái bạn", Lakshmi Kumar, thành viên tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu tại Mỹ, đánh giá. Hầu hết chính trị gia, người nổi tiếng có tên trong "Hồ sơ Pandora" đến từ những nước thu nhập thấp hoặc trung bình, như Brazil, Bờ Biển Ngà, Gabon, Ấn Độ, Pakistan hay Sri Lanka. "Nếu nhìn vào các cá nhân trong danh sách, bạn sẽ thấy họ chủ yếu là công dân những quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao hàng đầu. Thực sự có những nơi mà người dân đang chết đói, xếp hàng mua thực phẩm, trong khi lãnh đạo của họ sở hữu tài sản xa hoa ở nước ngoài", Maira Martini, chuyên gia nghiên cứu về rửa tiền tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế trụ sở ở Berlin, Đức, nhận xét.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta là một trong những lãnh đạo có tên trong Hồ sơ Pandora, cùng 6 thành viên trong gia đình ông. Các tài liệu cáo buộc họ kiểm soát một mạng lưới công ty và tổ chức offshore tại Panama và Quần đảo British Virgin, trị giá hơn 30 triệu USD. Những việc này có tác động vô cùng tàn khốc. Số tiền đáng lẽ được sử dụng cho các dịch vụ công như y tế, giáo dục và nhà ở cuối cùng bị đổ vào những biệt thự, du thuyền và các mặt hàng xa xỉ khác ở nước ngoài. Tình trạng đó thật đáng lo ngại, một chuyên gia nhấn mạnh.
Oxfam, liên minh từ thiện quốc tế được thành lập tại Anh, hoan nghênh việc công bố "Hồ sơ Pandora" vì giúp phơi bày những hành vi được cho là gây tổn hại nguồn thuế của các quốc gia, số tiền có thể dùng để tài trợ những chương trình và dự án vì lợi ích cộng đồng lớn hơn. Còn theo nghị sĩ Sven Giegold thuộc đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu, vụ việc này chính là hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu cho thấy, tình trạng trốn thuế toàn cầu đã làm trầm trọng bất bình đẳng toàn cầu.
KHẢ ANH